Đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được thực hiện như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #605098 30/08/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (246)
    Số điểm: 1947
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 21 lần


    Đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được thực hiện như thế nào?

    Cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập. Trong đó, để cơ sở trợ giúp xã hội được hoạt động thì cần phải đăng ký thành lập theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ đề cập đến quy định về đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.

    1. Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là gì?

    Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là cơ sở do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội. Như vậy, cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập sẽ do cá nhân, tổ chức không phải cơ quan nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động của cơ sở.

    2. Quy định đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập

    Như trong định nghĩa về cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể được đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định. Tổ chức, cá nhân khi đăng ký phải tự kê khai hồ sơ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở. Vậy, hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập cần chuẩn bị gì?

    Theo Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập gồm có:

    - Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

    - Phương án thành lập cơ sở.

    - Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

    - Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.

    - Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.

    - Bản sao các giấy tờ sau đây:

    • Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;
     
    • Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức. Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
     

    Về trình tự thủ tục đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (Điều 17 Nghị định 103/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 16 Nghị định 140/2018/NĐ-CP):

    - Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thành lập đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập. Cụ thể:

    • Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố, có trụ sở chính đặt tại địa phương.
     
    • Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi cấp huyện, có trụ sở chính đặt tại địa phương.
     

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có trách nhiệm xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với cơ sở đăng ký thành lập mới. Trường hợp cơ sở đề nghị không đủ điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có thông báo rõ lý do bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị.

    Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không phải thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

    Như vậy, cá nhân, tổ chức muốn thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập thì cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập theo quy định tại Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP và thực hiện trình tự thủ tục theo quy định tại Điều 17 Nghị định 103/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 16 Nghị định 140/2018/NĐ-CP.

     
    202 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận