Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu lên thành phố để lao động, học tập ngày càng nhiều. Chính vì vậy mà nhu cầu thuê nhà trọ tại các thành phố lớn ngày một tăng cao. Cùng với đó sẽ phát sinh ra các vấn đề pháp lý liên quan đến cư trú, cụ thể là việc đăng ký tạm trú.
Nghĩa vụ đăng ký tạm trú
Đăng ký tạm trú là việc công dân khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khu vực tạm trú của mình. Theo Luật Cư trú 2020, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Qua quy định trên có thể thấy, đăng ký tạm trụ là nghĩa vụ của người thuê trọ phải thực hiện khi thuê trọ. Trong quy định trên không đặt ra nghĩa vụ đăng ký tạm trú đối với người cho thuê trọ, tuy nhiên tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú, theo đó cá nhân, hộ gia đình, tức người thuê trọ, không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đối với người cho thuê trọ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng về việc cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú. Như vậy, nếu người cho thuê trọ không thực hiện đăng ký tạm trú cho người thuê trọ sẽ bị xử phạt theo hình thức không thông báo lưu trú. Mặc dù không có quy định cụ thể về việc người cho thuê phải thực hiện đăng ký tạm trú cho người thuê, nhưng người cho thuê vẫn bị ràng buộc về nghĩa vụ đó. Do vậy, cả chủ trọ và người cho thuê sẽ đều bị xử phạt nếu không thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ.
Thủ tục đăng ký tạm trú
Theo Luật Cư trú 2020, để thực hiện đăng ký tạm trú, người đăng ký tạm trú cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
(1) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản).
(2) Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người đăng ký đến Công an phường, xã, thị trấn nơi tạm trú để nộp. Cán bộ sẽ tiếp nhận và đối chiếu với các quy định của pháp luật về luật cư trú. Hồ sơ không đủ điều kiện sẽ không được tiếp nhận, được trả lời bằng văn bản cho công dân lý do không tiếp nhận. Nếu hồ sơ được tiếp nhận thì trong khoảng thời gian 03 ngày sổ tạm trú sẽ được cấp.
Từ những quy định trên có thể thấy, đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của người thuê trọ và người cho thuê trọ. Vì vậy, cả người thuê và người cho thuê cần nắm được quy định pháp luật để hoàn thành đúng quyền và nghĩa vụ của mình.