Bên cạnh tiền lương thì phụ cấp là một trong những khoản tiền bổ sung lớn hỗ trợ cho những công chức làm việc đặc thù. Vậy trường hợp công chức đang hưởng phụ cấp công vụ thì có đồng thời hưởng thêm phụ cấp ưu đãi nghề?
1. Phụ cấp ưu đãi nghề là gì?
Căn cứ điểm b khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định phụ cấp ưu đãi nghề áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương.
Phụ cấp ưu đãi nghề được dùng để chỉ loại phụ cấp lương mà Nhà nước dùng để ưu đãi người có công hoặc ưu đãi những lao động trong một số ngành cần thiết như y tế, giáo dục, lực lượng vũ trang...
2. Đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề gồm những ai?
Đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề có thể kể đến một số đối tượng như:
- Nhà giáo (kể cả những người đang thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập; cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các trường công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ…
- Công chức, viên chức, cán bộ y tế xã trực tiếp làm chuyên môn y tế; Công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa phong tâm thần … trong đơn vị sự nghiệp công lập (Căn cứ Nghị định 56/2011/NĐ-CP).
- Công chức, viên chức chuyên ngành kiểm lâm, bảo vệ thực vật, thú y và kiểm soát đê điều (có 02 chữ số đầu mã ngạch là 09 10, 11) thuộc biên chế trả lương trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, được chuyển xếp lương theo Nghị định 204 (căn cứ Thông tư liên tịch 64/2006/TTLT)...
Từ nội dung, có thể thấy không phải đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nào cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
3. Mức phụ cấp ưu đãi của công chức hiện nay là bao nhiêu?
Từ quy định của pháp luật thì mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp của công chức, viên chức được tính như sau:
Phụ cấp ưu đãi nghề = Hệ số phụ cấp x [Mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]
Phụ cấp gồm 10 mức: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
4. Có đồng thời hưởng phụ cấp công vụ với phụ cấp ưu đãi nghề?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 34/2012/NĐ-CP quy định nguyên tắc áp dụng cho người đang hưởng phụ cấp công vụ thực hiện theo sau:
- Phụ cấp công vụ được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Thời gian không được tính hưởng phụ cấp công vụ, bao gồm:
+ Thời gian đi công tác, làm việc học tập ở nước ngoài được hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
+ Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
+ Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
- Khi thôi làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang thì thôi hưởng phụ cấp công vụ từ tháng tiếp theo.
- Đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề hoặc phụ cấp đặc thù theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được hưởng phụ cấp công vụ quy định tại Nghị định 34/2012/NĐ-CP.
Như vậy, công chức đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề hoặc phụ cấp đặc thù theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được hưởng phụ cấp công vụ.