Đại lý công ty bảo hiểm khởi kiện yêu cầu công ty phải rút lại thông báo chấm dứt hợp đồng, đồng thời phải bồi thường cho ông khoản thu nhập bị mất

Chủ đề   RSS   
  • #263505 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Đại lý công ty bảo hiểm khởi kiện yêu cầu công ty phải rút lại thông báo chấm dứt hợp đồng, đồng thời phải bồi thường cho ông khoản thu nhập bị mất

    Số hiệu

    540/2006/DS-ST

    Tiêu đề

    Đại lý công ty bảo hiểm khởi kiện yêu cầu công ty phải rút lại thông báo chấm dứt hợp đồng, đồng thời phải bồi thường cho ông khoản thu nhập bị mất

    Ngày ban hành

    09/06/2006

    Cấp xét sử

    Sơ thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    Căn cứ chấm dứt hợp đồng đại lý là hành vi  vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty khi tham gia một số hoạt động với công ty bảo hiểm nhân thọ khác trong lúc vẫn đang là đại lý của công ty và chứng cứ chứng minh là sự báo cáo và xác nhận của các nhân viên đang làm việc cho Cty Manulife (VN), có mối quan hệ phụ thuộc về quyền lợi với công ty. Do đó, không có cơ sở để bảo đảm tính khách quan, trung thực. cho 2 công ty bảo hiểm).

    Do đó, việc Cty Manulife (VN), chấm dứt hợp đồng đại lý với ông Lâm Văn Vẽ  là không đủ căn cứ, không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng đại lý giữa các bên, gây thiệt hại về uy tín, danh dự và có thể gây thiệt hại về vật chất cho ông Vẽ.

    Bởi lẽ trên, yêu cầu của ông Vẽ đòi Cty Manulife (VN),phải rút lại thông báo đã gửi cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về hành vi vi phạm của ông là có căn cứ và chính đáng, cần được chấp nhận.

    Về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại:

    Do không chứng minh được thiệt hại vật chất thực tế mà ông đã phải gánh chịu là hậu quả trực tiếp của hành vi gửi thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam của Cty Manulife (VN) nên Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này.


    Bản án số :540/2006/DS-ST ngày : 09-6-2006

    v/v Trvanh chấp về hợp đồng dân sự đại lý bảo hiểm

    Ngày 09 tháng 6 năm 2006 tại phòng xử án của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số431/2005/TLST-DS ngày 27 tháng 7 năm 2005 về tranh chấp hợp đồng đại lý bảo hiểm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số1004/QĐ-ĐXX ngày 30 tháng 5 năm 2006 giữa các đương sự:

    Nguyên đơn : Ông LÂM VĂN VẼ

    Thường trú: 1010 Đường 30/4, P. 11, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

    (Có mặt)

    Bị đơn : CÔNG TY TNHH MANULIFE (VIỆT NAM)

    Địa chỉ : Lầu 2 Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM

    Đại diện : Ông Lương Văn Trung, GUQ 0604/2006/MGT ngày 05/4/2006

    (Có mặt)

    NHẬN THẤY

    Nguyên đơn trình bày :

    Ông Lâm Văn Vẽ làm đại lý bảo hiểm cho Công ty TNHH Manulife (VN) từ năm 2001. Ngày 28/4/2005, ông có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng đại lý với công ty vì phải dành thời gian chăm sóc con bị bệnh nặng.

    Ngày 21/5/2005, ông có nhận được Thư chấm dứt hợp đồng đại lý của công ty (đề ngày 18/5/2005), trong đó có nêu rõ hợp đồng đại lý của ông bị công ty chấm dứt với lý do ông đã vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty khi tham gia một số hoạt động với công ty bảo hiểm nhân thọ khác trong lúc vẫn đang là đại lý của công ty.

    Sau khi ông có văn bản khiếu nại, Cty Manulife (VN) đã có công văn đề ngày 09/6/2005 trả lời vẫn giữ nguyên quan điểm như trong Thư chấm dứt hợp đồng đại lý đã nêu, đồng thời thông báo cho ông biết công ty đã báo cáo trường hợp vi phạm của ông lên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

    Ngày 16/6/2005, ông nhận được văn bản trả lời của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thông báo cho ông biết Hiệp hội đã thông báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác không được ký hợp đồng đại lý bảo hiểm với ông trong thời hạn 3 năm.

    Hành vi nói trên của Cty Manulife (VN) hoàn toàn không có căn cứ, đã gây thiệt hại cho ông cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Vì thế, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc công ty phải rút lại thông báo đã gửi cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói trên đồng thời phải bồi thường cho ông khoản thu nhập bị mất do bị cấm làm đại lý bảo hiểm trong thời gian 3 tháng là 8.000.000 đ x 3 = 24.000.000 đồng.

    Bị đơn trình bày :

    Xác nhận ông Lâm Văn Vẽ là đại lý của Cty Manulife (VN) theo Hợp đồng đại lý ký ngày 02/01/2002 giữa 2 bên. Công ty đã quyết định chấm dứt hợp đồng đại lỳ với ông Vẽ vào ngày 18/5/2005 với lý do như ông Vẽ đã trình bày trong đơn kiện.

    Việc công ty chấm dứt hợp đồng đại lý với ông Vẽ và thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về hành vi vi phạm của ông là hoàn toàn có cơ sở.

    Do đó, công ty không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của ông Vẽ.

    Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, các bên đương sự vẫn giữ nguyên ý kiến.

    Tại phiên tòa hôm nay :

    Nguyên đơn : Yêu cầu Cty Manulife (VN) phải rút lại thông báo đã gửi cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói trên đồng thời phải bồi thường cho ông khoản thu nhập bị mất do bị cấm làm đại lý bảo hiểm trong thời gian 3 tháng là 8.000.000 đ x 3 = 24.000.000 đồng (thấp hơn 3 tháng lương mà các công ty bảo hiểm khác hứa sẽ trả cho ông Vẽ với cương vị trưởng phòng nếu ông không bị cấm làm việc cho các công ty bảo hiểm do có thông báo nói trên)

    Bị đơn : Không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn vì công ty chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm với ông Vẽ (với lý do ông Vẽ đã vi phạm hợp đồng) và gửi thông báo cho Hiệp hội bảo hiểm VN về hành vi vi phạm của ông là có căn cứ (dựa vào lời khai của người làm chứng).

    XÉT THẤY

    Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định :

    1. Về thẩm quyền giải quyết vụ án :

    Đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự đại lý bảo hiểm, bị đơn là tổ chức có trụ sở tại Quận 1, TPHCM. Vì vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 25, Điều 34, khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 3 Nghị quyết số 32/2004/QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 1 Nghị quyết số742/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 24/12/2004 của Uûy ban thường vụ Quốc hội về việc giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự cho các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân TPHCM theo thủ tục tố tụng dân sự.

    2. Về thời hiệu khởi kiện :

    Hợp đồng đại lý bảo hiểm giữa các bên chấm dứt vào ngày 18/5/2005 và sau đó phát sinh tranh chấp. Tháng 7 năm 2005, nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện đến Tòa án.

    Căn cứ vào điểm a, khoản 3, Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự, nguyên đơn đã làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án trong thời hạn quy định (2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị xâm phạm), do đó, cần được chấp nhận thụ lý để giải quyết.

    3. Về nội dung tranh chấp :

    Xét yêu cầu của nguyên đơn đòi Cty Manulife (VN) phải rút lại thông báo đã gửi cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đồng thời phải bồi thường khoản thu nhập bị mất do bị cấm làm đại lý bảo hiểm trong thời gian 3 tháng là 24.000.000 đồng :

    a) Về yêu cầu thứ nhất (đòi rút lại thông báo) :

    Theo Cty Manulife (VN) trình bày thì căn cứ để công ty chấm dứt hợp đồng đại lý với ông Vẽ và thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về hành vi vi phạm của ông chính là hành vi của ông Vẽ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty khi tham gia một số hoạt động với công ty bảo hiểm nhân thọ khác trong lúc vẫn đang là đại lý của công ty và chứng cứ chứng minh cho sự việc này là sự báo cáo và xác nhận của các nhân viên của công ty là ông Phạm Văn Thơm, bà Trần Diệp Hà, bà Phan Thị Minh Châu và của một đại lý đang làm việc cho công ty là bà Cao Thị Ngọc Lan. Ngoài ra, công ty không có chứng cứ nào khác để chứng minh hành vi vi phạm của ông Vẽ.

    Tuy nhiên, tất cả những người làm chứng nói trên tại thời điểm phát sinh tranh chấp (tháng 5/2005) cũng như cho đến hiện nay, đều là những người đang làm việc cho Cty Manulife (VN), có mối quan hệ phụ thuộc về quyền lợi với công ty. Do đó, không có cơ sở để bảo đảm tính khách quan, trung thực trong lời khai của những người này, mặc dù giữa họ với nguyên đơn trong vụ án này có thể không có mâu thuẫn gì về quyền lợi hoặc tình cảm như bị đơn trình bày.

    Mặt khác, lời khai của những người làm chứng nói trên cũng mâu thuẫn với lời khai của những người làm chứng khác là bà Bùi Thị Hạnh (người cùng dự buổi nói chuyện giữa ông Vẽ và bà Cao Thị Ngọc Lan) và Văn phòng đại diện Cty Bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG Vũng Tàu (nơi bị đơn cho rằng nguyên đơn có tham gia hoạt động) (Bà Hạnh và Bảo Minh CMG Vũng Tàu đều phủ nhận việc ông Vẽ cùng lúc làm việc cho 2 công ty bảo hiểm).

    Do đó, việc Cty Manulife (VN), chấm dứt hợp đồng đại lý với ông Lâm Văn Vẽ với lý do ông Vẽ đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng cũng như quy định của pháp luật (làm việc đồng thời cho 2 công ty bảo hiểm) và gửi thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về hành vi vi phạm của ông Vẽ là không đủ căn cứ, không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng đại lý giữa các bên, gây thiệt hại về uy tín, danh dự và có thể gây thiệt hại về vật chất cho ông Vẽ.

    Bởi lẽ trên, yêu cầu của ông Vẽ đòi Cty Manulife (VN),phải rút lại thông báo đã gửi cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về hành vi vi phạm của ông là có căn cứ và chính đáng, cần được chấp nhận.

    b) Về yêu cầu thứ hai (đòi bồi thường thiệt hại) :

    Do ông Vẽ không chứng minh được thiệt hại vật chất thực tế mà ông đã phải gánh chịu là hậu quả trực tiếp của hành vi gửi thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam của Cty Manulife (VN) nên Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này.

    Mặt khác, chính ông Vẽ trong đơn khởi kiện cũng đã trình bày là ông đã chủ động đề nghị chấm dứt hợp đồng đại lý với công ty vì ông không có thời gian dành cho công việc (làm đại lý bảo hiểm) do phải chăm sóc con bị bệnh nặng. Điều đó chứng tỏ tại thời điểm công ty chấm dứt hợp đồng đại lý với ông (tháng 5/2005), ông không có nhu cầu và điều kiện để tiếp tục công việc làm đại lý bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm. Do đó, yêu cầu của ông Vẽ đòi bồi thường thiệt hại là khoản thu nhập bị mất trong 3 tháng do bị cấm làm đại lý bảo hiểm (là hậu quả trực tiếp của việc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thông báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác về trường hợp của ông) là không có căn cứ để được chấp nhận (vì dù không bị cấm ông vẫn không thể và không có ý định làm đại lý bảo hiểm vào thời điểm Hiệp hội phát thông báo).

    Tại phiên tòa hôm nay, ông Vẽ có trình bày là con ông chỉ bị bệnh nặng một thời gian, đến khoảng ngày 24/5/2005 đã bình phục, không cần ông phải ở nhà chăm sóc nữa nên ngay vào cuối tháng 5/2005, ông đã thay đổi ý định và đã liên hệ xin việc ở một số công ty bảo hiểm nhưng đều bị từ chối do có thông báo nói trên của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, tại Đơn đề nghị điều tra sự thật gửi Tổng giám đốc Cty Manulife VN và Hiệp hội bảo hiểm VN đề ngày 11/6/2005 (tức là sau thời điểm ông Vẽ cho rằng ông đã liên hệ xin việc làm ở các công ty bảo hiểm), chính ông Vẽ đã khẳng định : “tôi không bao giờ làm việc bất kể Công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ nào khác, trừ khi con tôi nó phải chết”. Điều đó cho thấy lời trình bày của ông Vẽ tại phiên tòa hôm nay không phù hợp với chứng cứ khách quan của vụ án nên không có căn cứ để được chấp nhận.

    4. Về án phí:

    Căn cứ vào khoản 1, Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự và các điều 7, 10 và 11 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Tòa án :

    - Ông Lâm Văn Vẽ phải chịu án phí sơ thẩm trên số tiền yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.

    Cty Manulife (VN), phải chịu án phí đối với yêu cầu không có giá ngạch của ông Vẽ được Tòa án chấp nhận.

    Vì các lẽ trên,

    QUYẾT ĐỊNH

    Aùp dụng Điều 409 và Điều 418 Bộ luật dân sự năm 1995;

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty TNHH Manulife (Việt Nam),phải có trách nhiệm thu hồi lại thông báo đã gửi cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về hành vi vi phạm hợp đồng đại lý của ông Lâm Văn Vẽ vì không đủ căn cứ.

    2. Bác yêu cầu của nguyên đơn đòi Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) phải bồi thường thiệt hại khoản thu nhập bị mất là 24.000.000 đồng.

    3. Về án phí :

    - Ông Lâm Văn Vẽ phải chịu án phí sơ thẩm là.1.200.000 đ (một triệu hai trăm ngàn đồng); cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 600.000 đồng (theo Biên lai thu tiền số 005341 ngày 18 tháng 7 năm 2005 của Thi hành án dân sự TPHCM), ông Lâm Văn Vẽ còn phải nộp thêm 600.000 đồng.

    Công ty TNHH Manulife (Việt Nam), phải chịu án phí sơ thẩm là 50.000 đ (năm mươi ngàn đồng).

    4. Các đương sự được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 11:18:13 SA
     
    24711 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    nguyenhongquoc (12/11/2015)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận