Đã đóng BHXH bắt buộc có đóng thêm tự nguyện được không?

Chủ đề   RSS   
  • #615971 04/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 11

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (982)
    Số điểm: 16703
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 329 lần
    SMod

    Đã đóng BHXH bắt buộc có đóng thêm tự nguyện được không?

    Khi tham gia BHXH thì người tham gia sẽ được hưởng các chế độ tương ứng với số tiền và thời gian mình đã đóng. Vậy, nếu đã đóng BHXH bắt buộc thì có được đóng thêm BHXH tự nguyện không?

    Đã đóng BHXH bắt buộc có đóng thêm tự nguyện được không?

    Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khoản 1 Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

    - Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/ 01/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/01/2018 trở đi;

    - Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

    - Người lao động giúp việc gia đình;

    - Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

    - Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

    - Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

    -Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

    - Người tham gia khác.

    Như vậy, điều kiện tiên quyết để tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, đã đóng BHXH bắt buộc thì sẽ không được đóng thêm BHXH tự nguyện.

    Trường hợp đã đóng cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện thì xử lý thế nào?

    Theo khoản 3 Điều 3 Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 sửa đổi quy định về trường hợp hoàn trả BHXH do đóng trùng tại điểm e khoản 3 Điều 43 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) như sau:

    - Trường hợp một người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau theo hướng dẫn tại Công văn 25/LĐTBXH-BHXH năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoàn trả tiền đóng BHXH, BHTN thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi.

    - Cơ quan BHXH quản lý nơi người lao động đang làm việc hoặc đang sinh sống thực hiện hoàn trả và cấp lại sổ BHXH cho người lao động như sau:.

    + Trường hợp một người có từ 2 sổ BHXH trở lên đề nghị gộp sổ BHXH, cán bộ Phòng/Tổ cấp sổ, thẻ thực hiện kiểm tra, đối chiếu nội dung đã ghi trên các sổ BHXH và cơ sở dữ liệu; lập Danh sách đề nghị gộp sổ BHXH chuyển cán bộ Phòng/Tổ quản lý thu thực hiện:

    + Trường hợp thời gian đóng BHXH trên các sổ BHXH không trùng nhau: Thực hiện gộp quá trình đóng BHXH của các sổ BHXH trên cơ sở dữ liệu; hủy mã số sổ BHXH đã gộp.

    + Trường hợp thời gian đóng BHXH trên các sổ BHXH trùng nhau: lập Quyết định hoàn trả để hoàn trả cho người lao động theo quy định tại Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 43 Quyết định 505/QĐ-BHXH.

    Như vậy, nếu đã đóng BHXH bắt buộc mà đóng thêm BHXH tự nguyện tức là đã đóng trùng BHXH, nếu thời gian đóng trùng nhau thì sẽ được hoàn trả số tiền đã đóng, nếu thời gian đóng không trùng nhau thì sẽ được gộp sổ BHXH.

    Mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay là bao nhiêu?

    Theo Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

    - Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

    Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

    - Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

    + Hằng tháng;

    + 03 tháng một lần;

    + 06 tháng một lần;

    + 12 tháng một lần;

    + Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định

    Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay là 22% mức thu nhập tháng mà người lao động lựa chọn. Trong đó, mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

     
    41 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận