Dùng bí mật đời tư để tống tiền không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, dạo gần đây, một chiêu thức cưỡng đoạt tài sản mới vừa được lực lượng chức năng triệt phá đó là nhóm tội phạm này lập nhiều nhóm cộng đồng “anti-fan” trên mạng xã hội nhắm vào các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Qua đó, nhóm này đăng những thông tin cá nhân, đời tư lên mạng để nói xấu, bôi nhọ uy tín, xúc phạm danh dự và tống tiền những người bị nhắm đến.
Với việc thành thạo kỹ năng internet để hack các thông tin mật sau đó tống tiền 03 lần với nghệ sĩ lên đến 128 triệu đồng. Do lo sợ bị lộ, nhiều người đã âm thầm chấp nhận chịu trận nên không trình báo đến cơ quan công an. Vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Thế nào nào là tội cưỡng đoạt tài sản?
Cưỡng đoạt tài sản là hành vi một người dùng vũ lực đe dọa hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điểm đặc trưng của hành vi này là người phạm tội sẽ dùng vũ lực (lời nói hoặc hành động) mà tác động tâm lý đến người có quyền về tài sản phải lo sợ mà giao nộp tài sản cho người uy hiếp. Có thể kể đến một số hành vi như đe dọa sẽ tố cáo bí mật cá nhân, uy hiếp bằng vũ lực, dùng chức vụ quyền hạn để ra lệnh hay nổi bật như đã nêu ở tiêu đề đó là dùng thông tin bí mật đời tư để uy hiếp tống tiền.
Nghiêm cấm tiết lộ thông tin cá nhân qua môi trường internet
Khi tham gia vào môi trường mạng xã hội, mỗi cá nhân phải tự ý thức và cẩn trọng mỗi khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cũng như không được phép xâm phạm đời tư của người khác. Cụ thể, theo Điều 46 Luật Giao dịch điện tử 2006 có quy định như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý.
Theo quy định trên, việc chủ các kênh, nhóm “anti-fan” trên mạng xã hội đã hack thông tin tin và đăng tải lên các trang Facebook, Zalo,... Đã vi phạm pháp luật về bí mật đời tư cũng như các quy định cấm khi tham gia môi trường mạng.
Truy cứu tội bí mật đời tư hoặc an toàn thư tín
Đầu tiên nhóm tội phạm này sẽ phải đối mặt với tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, vì khách thể đầu tiên mà nhóm này cần đến đó là thông tin bí mật của bị hại. Theo đó, sẽ bị xử lý với các khung hình phạt như sau:
Khung thứ nhất phạt 20 triệu đồng - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào.
- Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông.
- Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật.
- Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật.
- Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Khung thứ hai bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
- Có tổ chức.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
- Phạm tội 02 lần trở lên.
- Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
- Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng - 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm - 05 năm.
Như vậy, đối với tội này thì người phạm tội có thể đối mặt mức án tù lên đến 03 năm.
Truy cứu tội cưỡng đoạt tài sản
Việc đánh cắp bí mật thông tin cá nhân của các nghệ sĩ nổi tiếng không phải là mục đích chính của loại tội phạm này mà đây chỉ là công cụ để thực hiện hành vi đe dọa cưỡng đoạt tài sản của họ. Đây chính là khách thể thứ hai mà nhóm này hướng đến và cũng chính là mục đích thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội cưỡng đoạt tài sản sẽ chịu các khung hình phạt sau:
Khung 1: Bị phạt tù từ 01 năm - 05 năm.
Khung 2: Bị phạt tù từ 03 năm - 10 năm khi có các dấu hiệu:
- Có tổ chức.
- Có tính chất chuyên nghiệp.
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng.
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Bị phạt tù từ 07 năm - 15 năm khi có các dấu hiệu:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm khi có các dấu hiệu sau:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, đối với hành vi mà nhóm này cưỡng đoạt tài sản thông qua mạng internet với tổng số tiền là 128 triệu đồng có thể đối mặt với tổng hình phạt lên đến 13 năm tù.