Để người dân hiểu rõ hơn về Cục Điều tiết điện lực, một câu hỏi đặt ra là Cục Điều tiết điện lực có chức năng và cơ cấu tổ chức theo quy định như thế nào? Vì vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Cục Điều tiết điện lực có chức năng gì?
Căn cứ tại Điều 1 Quyết định 2630/QĐ-BCT năm 2022 có quy định về vị trí và chức năng như sau:
- Cục Điều tiết điện lực là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
- Cục Điều tiết điện lực có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn khác theo quy định của Nhà nước.
+ Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Electricity Regulatory Authority of Viet Nam.
+ Tên viết tắt: ERAV.
+ Trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.
Như vậy, theo quy định trên thì Cục Điều tiết điện lực có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Cục Điều tiết điện lực có chức năng và cơ cấu tổ chức theo quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Cục Điều tiết điện lực có cơ cấu tổ chức như thế nào?
Căn cứ tại Điều 3 Quyết định 2630/QĐ-BCT năm 2022 có quy định về cơ cấu tổ chức như sau:
- Bộ máy giúp việc Cục trưởng:
+ Văn phòng;
+ Phòng Pháp chế;
+ Phòng Giá điện và Phí;
+ Phòng Thị trường điện;
+ Phòng Hệ thống điện;
+ Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng.
- Tổ chức sự nghiệp thuộc Cục:
Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo.
Việc thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị trực thuộc Cục do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét và quyết định theo đề nghị của Cục trưởng.
Như vậy, theo quy định trên thì Cục Điều tiết điện lực có cơ cấu tổ chức như sau: 01 Văn phòng; 5 Phòng; 01 Tổ chức sự nghiệp thuộc Cục.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực gồm những ai?
Căn cứ tại Điều 4 Quyết định 2630/QĐ-BCT năm 2022 có quy định về lãnh đạo Cục như sau:
- Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
- Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.
- Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cục; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục theo phân cấp quản lý của Bộ Công Thương.
- Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ cấp phòng hoặc tương đương thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Công Thương.
- Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công Thương và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
Như vậy, theo quy định trên thì lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
Cục Điều tiết điện lực trình Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền ban hành những nội dung nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 2630/QĐ-BCT năm 2022 thì Cục Điều tiết điện lực trình Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền ban hành những:
- Dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết hoạt động điện lực theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
- Chương trình phát triển lưới điện thông minh và Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện để đảm bảo cân bằng cung cầu về điện, nâng cao độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện;
- Lộ trình phát triển thị trường điện lực; Đề án tái cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực; Danh mục các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh;
- Chủ trương, cơ chế mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia từ cấp điện áp 220kV trở lên;
- Quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Quy định các hành vi vi phạm và hình thức xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về điều tiết hoạt động điện lực và sử dụng điện.