Cục ATTP: Yêu cầu dừng lưu thông ngay rượu nghi ngờ gây ngộ độc

Chủ đề   RSS   
  • #614483 25/07/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27088
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 561 lần
    SMod

    Cục ATTP: Yêu cầu dừng lưu thông ngay rượu nghi ngờ gây ngộ độc

    Ngày 24/7/2024, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn 1772/ATTP-NĐTT điều tra, xử lý và tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn Hà Nội và Thái Nguyên.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/25/cv-ngo-doc-ruou-gui-ha-noi-thai-nguyen.pdf Công văn 1772/ATTP-NĐTT

    Cụ thể, tại Công văn 1772/ATTP-NĐTT có nêu, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai về 05 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol. 

    Trong số đó có ghi nhận 01 trường hợp từ Thái Nguyên và 04 trường hợp từ Thường Tín, Hà Nội cùng uống 01 loại rượu từ Thái Nguyên. 

    Theo đó, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên triển khai gấp một số nội dung như sau:

    (1) Đề nghị dừng lưu thông ngay rượu nghi ngờ gây ngộ độc

    Cụ thể, Cục ATTP yêu cầu Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định (nếu có). 

    Ngoài ra, yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công thương thành phố điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn thành phố. Kèm theo đó, phối hợp với Sở công thương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ.

    Đặc biệt là đối với các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường. 

    Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.

    Cuối cùng, tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

    (2) Cơ sở kinh doanh, người bán rượu gây ngộ độc bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau:

    - Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP thì tùy thuộc theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính, mức phạt này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính). Trường hợp đã áp dụng mức phạt cao nhất mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật hoặc bị truy cứu TNHS.

    Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. 

    - Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 hoặc các quy định khác của pháp luật về ATTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu TNHS.

    Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, trường hợp cá nhân, tổ chức bán rượu gây ngộ độc thì sẽ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, còn phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định.

    (3) Xử phạt hành vi gây ngộ độc rượu

    Cụ thể hơn, tại Khoản 6 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi như sau:

    - Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu TNHS.

    - Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá dưới 10 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 05 triệu đồng.

    - Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá dưới 50 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 20 triệu đồng.

    Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi, tiêu hủy thực phẩm và phải chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, còn có thể bị buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

    Tuy nhiên, tại đây cũng cần lưu ý mức phạt trên áp dụng cho cá nhân trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt sẽ gấp 02 lần theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

    Ngoài ra, trường hợp mặt hàng rượu gây ngộ độc được bán ra là hàng giả thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017.

     
    145 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận