Nhiều người dân thắc mắc rằng khi tham gia giao thông nếu bị CSGT dừng xe kiểm tra hành chính mà mình không vi phạm thì CSGT có nghĩa vụ chứng minh vi phạm hay không? Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
CSGT có phải chứng minh vi phạm của người dân?
Theo nguyên tắc, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính (theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Thêm vào đó, khoản 3 Điều 19 Thông tư 65/2020/TT-BCA(được sửa bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA), khi phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia thông thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì CSGT tiến hành dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị CSGT. (tại điểm a khoản 3 Điều 19 Thông tư 65/2020/TT-BCA)
Như vậy, trước khi xử phạt, CSGT có trách nhiệm chứng minh lỗi của người tham gia giao thông khi xử phạt hành chính, có thể thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như camera, máy bắn tốc độ… hoặc trực tiếp phát hiện. Song người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không vi phạm.
Không được tự ý khám người và phương tiện
Khi dừng xe để kiểm soát việc thực hiện các quy định về giao thông, CSGT được kiểm tra các nội dung sau:
- Kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.
- Kiểm tra điều kiện tham gia giao thông của phương tiện: hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số xe và hai bên thành xe, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Kiểm soát việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Theo đó, CSGT có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ, kiểm tra các điều kiện về hình thức của phương tiện nhưng không được tùy tiện khám người, phương tiện.
Bởi việc khám người, khám phương tiện chỉ được phép tiến hành khi có căn cứ.
Không được nhận tiền của người vi phạm
Căn cứ theo Nghị định 19/2020/NĐ-CP nghiêm cấm hành vi sau:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, khi yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để xử phạt vi phạm, CSGT không được lợi dụng chức vụ để sách nhiễu, đòi, nhận tiền của người dân.
Nếu vi phạm quy định này mà bị phát hiện, chiến sĩ CSGT đã nhận tiền của người vi phạm giao thông có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.
Không những vậy, CSGT nhận tiền của người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt thấp nhất với tội này là từ 02 - 07 năm tù.
Trường hợp duy nhất CSGT được thu tiền từ người vi phạm là khi xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.