Thời gian gần đây, xảy ra tình trạng CSGT gọi điện, nhắn tin thông báo cho người dân về lỗi vi phạm giao thông dưới hình thức “phạt nguội”. Vậy CSGT có được phép thông báo qua hình thức này không? Hãy tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) CSGT có được nhắn tin, gọi điện đến người dân để thông báo phạt nguội không?
Phạt nguội được là hình thức xử phạt những lỗi vi phạm an toàn giao thông bị phát hiện thông qua camera giám sát hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan chức năng. Các thông tin, hình ảnh thu được sẽ được gửi về Trung tâm xử lý. Sau đó, trung tâm này tiến hành việc in ảnh, truy xuất thông tin chủ phương tiện rồi thông báo vi phạm để xử phạt.
Theo đó, CSGT sẽ không gọi điện thoại hay nhắn tin để thông báo phạt nguội mà phải gửi thông báo vi phạm bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử theo quy định tại Điểm c Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA.
Cục Cảnh sát giao thông cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo thông báo phạt nguội. Trường hợp nhận được cuộc gọi, tin nhắn thông báo phạt nguội, người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, CMND, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) cho bất kỳ ai.
Đồng thời, khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.
(2) Quy trình thông báo phạt nguội của CSGT
Theo quy định tại Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy trình thông báo phạt nguội sẽ được thực hiện như sau:
- CSGT phát hiện vi phạm thông qua thiết bị ghi hình các xe vi phạm trên đường, qua hệ thống giám sát tự động (camera và máy đo tốc độ) hoặc từ thiết bị của các tổ chức, cá nhân khác, từ nguồn trên các phương tiện đại chúng…
- Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện như sau:
+ Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
+ Trường hợp người vi phạm không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn thì chuyển kết quả thu thập được đến nơi người vi phạm cư trú, đóng trụ sở để giải quyết, xử lý vụ việc (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử).
+ Trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt nhưng Công an xã, phường, thị trấn chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được đến Công an cấp huyện nơi người vi phạm cư trú, đóng trụ sở để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.
- Nếu người vi phạm gặp khó khăn trong đi lại và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính: Gửi thông báo bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử yêu cầu người vi phạm đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Nếu quá 20 ngày kể từ ngày phát đi thông báo phạt nguội mà người vi phạm không có mặt tại trụ sở cơ quan Công an để giải quyết thì cơ quan Công an sẽ tiến hành đưa thông tin phương tiện vi phạm lên Trang quản lý của Cục Cảnh sát giao thông.
Đồng thời, CSGT sẽ gửi thông báo đến cơ quan đăng kiểm để cho phương tiện vi phạm vào danh sách cảnh báo, có nguy cơ không được đăng kiểm.