Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh tranh chấp hợp đồng vay chuyển đổi nợ thành vốn góp

Chủ đề   RSS   
  • #263491 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh tranh chấp hợp đồng vay chuyển đổi nợ thành vốn góp

    Số hiệu

    421/2006/KDTM-ST

    Tiêu đề

    Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh tranh chấp hợp đồng vay chuyển đổi nợ thành vốn góp

    Ngày ban hành

    24/08/2006

    Cấp xét sử

    Sơ thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Ban đầu các bên chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài , sau đó đã được thay thế bằng hình thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

    Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhận của các bên có cơ sở xác định Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh có ký hợp đồng vay chuyển đổi. Tiếp đến các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh có ký Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn và đã được đại diện có thẩm quyền của hai bên ký kết nên có giá trị pháp lý ràng buộc các bên thực hiện.

    Nguyên đơn yêu cầu bị đơn và các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh phải trả khoản vay: 1.549.750USD, cùng với lãi vay Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số nợ gốc và lãi phát sinh...

    Trong việc thực hiện Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn, do phía bị đơn không làm thủ tục chuyển đổi khoản vay thành cổ phần đúng hạn quy định nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu tiếp tục thực hiện Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn của bị đơn.


    Bản án số :421/2006/KDTM-ST Ngày 24-8-2006

    V/v tranh chấp hợp đồng chuyển đổi vốn vay thành cổ phần

    Trong ngày 24 tháng 8 năm 2006 tại trụ sở Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 205/KTST ngày 19 tháng 7 năm 2005 về hợp đồng chuyển đổi vốn vay thành cổ phần và thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số1265/2006/QĐXX-ST ngày 24 tháng 7 năm 2006 giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty Veil Infrastructure Limited

    Địa chỉ trụ sở: Offshore Incorporations Limited P.O. Box 957, Offshore Incorporations Centre, Road Town, Tortola, British Virgin Islands.

    Địa chỉ liên lạc tại TPHCM: số 2 Ngô Đức Kế, quận 1, TPHCM. Phòng 1901, tầng 19, Mê Linh Point.

    Có bà Vũ Thanh Ly, CMND số 023590432, cấp ngày 07-7-1997, tại Công an TP.HCM, làm đại diện được ủy quyền theo giấy uỷ quyền đề ngày 24-7-2006 của Giám đốc Công ty, được hợp pháp hóa lãnh sự vào ngày 25-7-2006. (có mặt).

    Có Luật sư Bùi Quang Nghiêm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

    Bị đơn:

    1. Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh.

    Địa chỉ: 11/28 ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM

    Có bà Trần Thị Minh Phượng, CMND số 201336828 cấp ngày 15-12-1993 tại Công an TP. Đà Nẵng, làm đại diện theo giấy ủy quyền ngày 10-3-2006 của giám đốc Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh. (Có mặt)

    2. Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh.

    Địa chỉ: 11/28 ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM

    Có bà Trần Thị Minh Phượng, CMND số 201336828 cấp ngày 15-12-1993 tại Công an TP. Đà Nẵng, làm đại diện theo giấy ủy quyền ngày 10-3-2006 của giám đốc Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh.(Có mặt)

    Người có quyền và nghĩa vụ liên quan:

    1. Ông Đoàn Văn Đức, CMND số 022558894

    2. Bà Nguyễn Thị Hãnh, CMND số 020918860. Vắng mặt

    3. Ông Đoàn Quang Đông, CMND số 021654210

    4. Ông Đoàn Quang Đoạt, CMND số 022557493

    Cùng địa chỉ: 22 Lô G Nguyễn Thị Tần, phường 2, quận 8, TPHCM

    Ông Đoàn Quang Đông và ông Đoàn Quang Đoạt ủy quyền cho ông Đoàn Văn Đức tham dự phiên Tòa theo giấy ủy quyền đề ngày 23-9-05.(Có mặt).

    5. Bà Nguyễn Kim Ngoan, CMND số 021147648

    Địa chỉ: 199 Hùng Vương nối dài, thị trấn An Lạc, H.Bình Chánh, TP. HCM.

    Có ông Đoàn Văn Đức làm đại diện được ủy quyền theo theo giấy ủy quyền đề ngày 23-9-2005(có mặt).

    6. Ông Đoàn Quang Đạm, CMND số 022557491. (Vắng mặt)

    Thường trú: 76 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP.HCM

    Cư ngụ tại: 22 Lô G Nguyễn Thị Tần, phường 2, quận 8, TPHCM.

    Có Luật sư Trương Thị Hoà và Luật sư Nguyễn Đình Hùng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

    NHẬN THẤY

    Theo đơn khởi kiện ngày 30 tháng 5 năm 2005 của Công ty Veil Infrastructure Limited thì ngày 06-11-1998 Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh cùng các thành viên Hội đồng thành viên có ký hợp đồng vay chuyển đổi theo đó Công ty Veil Infrastructure Limited đồng ý ứng trước cho Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh một khoản vay sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu của Công ty cổ phần.

    Hợp đồng đưa ra một số điều kiện mà bên vay là Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh phải xuất trình:

    - Bản sao quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh vay nợ nước ngoài theo hợp đồng này;

    - Bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép bên vay chuyển thành công ty cổ phần với tên Công ty cổ phần Đức Hạnh và được bán 30% vốn phát hành của công ty này cho Công ty Veil Infrastructure Limited;

    - Thư tiết lộ có nội dung chi tiết nêu trong phụ lục 2 của hợp đồng.

    Theo hợp đồng, các bên thỏa thuận Công ty Veil Infrastructure Limited cho Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh vay 2.000.000USD nếu Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh đáp ứng đủ 3 điều kiện trên. Nếu chỉ đáp ứng điều kiện 1 và 3 thì Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh chỉ được quyền nhận tối đa 1.500.000USD. Do không đáp ứng được điều kiện thứ 2 nên Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh chỉ được vay số tiền là 1.549.750USD. Cụ thể:

    - Ngày 08-12-1998 : 520.000USD;

    - Ngày 10-12-1998 : 500.000USD;

    - Ngày 21-12-1998 : 479.800USD;

    - Ngày 17-3-1999 : 49.950USD;

    Ngày 20-10-2003 Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn được ký giữa Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh, Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh, các cổ đông sáng lập của CPĐH gồm: ông Đoàn Văn Đức, bà Nguyễn Thị Hãnh, ông Đoàn Quang Đông, bà Nguyễn Kim Ngoan, các thành viên gia đình: ông Đoàn Quang Đoạt và Đoàn Quang Đạm. Theo điều II.4.a của Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn thì thời hạn được gia hạn để chuyển đổi khoản vay thành cổ phần chậm nhất vào ngày 01-01-2004.

    Theo đề nghị của Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh, Công ty Veil Infrastructure Limited đồng ý gia hạn thời gian chuyển đổi khoản vay thành cổ phần đến ngày 31-3-2005.

    Do Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh vi phạm nghĩa vụ chuyển đổi khoản vay thành cổ phần, nghĩa vụ thanh toán lãi vay và lãi phạt nên Công ty Veil Infrastructure Limited đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh trả khoản vay: 1.549.750USD, lãi vay trong hạn 6%/năm tính đến ngày 30-4-2005 là 593.271USD và lãi phạt tính đến ngày 30-4-2005 là 455.831USD. Tổng cộng là 2.598.852USD.

    Ý kiến của Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh: Sau khi có văn bản của Chính phủ cho phép, Công ty Veil Infrastructure Limited đã đầu tư vào Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh 1.500.000USD. Nhờ số tiền này mà Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh đã đầu tư khai thác mỏ đá tại Bà Rịa Vũng Tàu để cung cấp cho nhà máy xi măng Sao Mai và đầu tư khai thác các mỏ cát. Chúng tôi đề nghị Công ty Veil Infrastructure Limited tiếp tục thực hiện biên bản thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ký ngày 20-10-2003. Cụ thể chúng tôi sẳn sàng thực hiện ngay mục 8 của phần chuyển đổi là cải cách nhân sự, bố trí các vị trí chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh do phía Công ty Veil Infrastructure Limited toàn quyền chỉ định.

    Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho các bên đương sự hòa giải để giải quyết tranh chấp trên, nhưng do ông Đoàn Quang Đạm không đến Tòa để hòa giải nên Tòa án đã lập biên bản không tiến hành hòa giải được và đưa vụ án ra xét xử theo luật định.

    Tại phiên Tòa ngày hôm nay :

    Ý kiến của nguyên đơn (Công ty Veil Infrastructure Limited): Chúng tôi yêu cầu Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh, Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh và các người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm trả khoản vay: 1.549.750USD, lãi vay trong hạn 6%/năm tính đến ngày 23-8-2006 là 715.959USD và lãi phạt tính đến ngày 23-8-2006 là 499.095,75USD. Tổng cộng là 2.764.804,90USD. Từ ngày 24-8-2006 trở đi yêu cầu bị đơn phải tiếp tục trả lãi theo mức 9%/năm cho đến khi trả hết khoản vay.

    Bị đơn (Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh): Chúng tôi xác nhận trong việc thực hiện hợp đồng vay chuyển đổi, với tư cách là Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh chúng xác nhận tôi còn nợ và cam kết trả nguyên đơn số tiền là 1.549.750USD. Tuy nhiên, với tư cách là Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh chúng tôi không có nợ nguyên đơn số tiền trên. Về yêu cầu tính lãi chúng tôi không chấp nhận. Chúng tôi đề nghị nguyên đơn tiếp tục thực hiện biên bản thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ký ngày 20-10-2003; nghĩa là nguyên đơn chuyển số nợ của bị đơn thành phần vốn góp trong Công ty cổ phần Đức Hạnh.

    Ý kiến của người có quyền và nghĩa vụ liên quan: Với tư cách cá nhân ông Đoàn Văn Đức, tôi đồng ý liên đới trả nợ cho nguyên đơn; Còn với tư cách đại diện cho những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tôi và các cá nhân có liên quan trong vụ án không đồng ý liên đới chịu trách nhiệm trả nợ trên cho nguyên đơn.

    Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư nêu tóm tắt nội dung vụ kiện, phân tích vụ kiện và cho rằng các lời trình bày của ông Đức tại phiên Tòa có sự mâu thuẫn, tạo tâm lý bất an cho đối tác trong quan hệ hợp tác từ trước đến nay. Qua phân tích Luật sư cho rằng và yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải liên đới trả cho nguyên đơn toàn bộ khoản vay và lãi vay trong hạn cộng với lãi phạt. Việc đề nghị đưa Công ty Dragon Capital tham dự phiên Tòa là không cần thiết.

    Ý kiến của các Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn:

    Luật sư nêu tóm tắt nội dung vụ kiện, qua phân tích Luật sư đề nghị Công ty Veil Infrastructure Limited tiếp tục thực hiện biên bản thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ký ngày 20-10-2003. Nghĩa là nguyên đơn chuyển đổi nợ thành vốn góp trong Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh và cử người tham gia quản lý Công ty. Luật sư cho rằng việc không chuyển số nợ của bị đơn thành phần vốn góp trong Công ty cổ phần Đức Hạnh theo thỏa thuận của các bên là trường hợp bất khả kháng. Qua phân tích, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận đề nghị của bị đơn nghĩa là tiếp tục thực hiện biên bản thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ký ngày 20-10-2003. Qua phân tích, Luật sư cũng cho rằng về tư cách bị đơn chỉ có Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh. Việc nguyên đơn cho rằng Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh là bị đơn cũng như việc nguyên đơn yêu cầu các thành viên Công ty cũng liên đới chịu trách nhiệm khoản nợ là không có cơ sở. Do hợp đồng bị vô hiệu nên Luật sư cũng đề nghị bị đơn chỉ chịu trách nhiệm hoàn trả phần vốn vay mà không phải chịu lãi phát sinh. Đề nghị Hội đồng xét xử đưa Công ty Dragon Capital vào tham gia tố tụng phiên tòa với tư cách là người có quyền lới và nghĩa vụ có liên quan để làm rõ khoản phí tư vấn 3,5% mà Công ty Dragon Capital đã nhận từ Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh.

    XÉT THẤY

    Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử có nhận định:

    Về thủ tục tố tụng: Xét Tòa án đã triệu tập hợp lệ ông Đoàn Quang Đạm và bà Nguyễn Thị Hãnh tham gia phiên Tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến lần thứ 2, nhưng ông Đoàn Quang Đạm và bà Nguyễn Thị Hãnh vẫn không đến dự phiên Tòa. Căn cứ vào khoản 2 điều 201 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Hội đồng xét xử quyết định việc xét xử vẫn được tiến hành với sự vắng mặt của ông Đoàn Quang Đạm và bà Nguyễn Thị Hãnh.

    Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Xét tại khoản 9.7, điều 9 của hợp đồng vay chuyển đổi ngày 06-11-1998 quy định về điều khoản trọng tài để giải quyết tranh chấp là Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại Hà Nội.

    Tại điểm 19 của Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ngày 20-10-2003 giữa các bên thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án.

    Tại điểm 21 của Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn quy định: “…Thỏa thuận này sẽ bổ dung cho và thay thế các nội dung tương ứng của hợp đồng vay chuyển đổi. Trong trường hợp trong đó có sự không nhất quán giữa thỏa thuận này và hợp đồng vay chuyển đổi, thì sự không nhất quán đó sẽ được giải quyết theo Thỏa thuận này”.

    Xét điều khoản thỏa thuận chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng con đường Trọng tài quy định tại khoản 9.7, điều 9 của hợp đồng vay chuyển đổi ngày 06-11-1998 đã được thay thế bằng hình thức giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án quy định tại điểm 19 và điểm 21 của Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ngày 20-10-2003.

    Xét bị đơn là Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, khi có tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng vay chuyển đổi và thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn, căn cứ điểm a, khoản 1, điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên thuộc Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

    Về thời hiệu khởi kiện: Tại điều II.4 Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ngày 20-10-2003 quy định về chuyển đổi: “…Nếu sau ngày 01-01-2004 khoản vay chưa được chuyển đổi thành cổ phần thì Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh, Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh … cam kết trả lại Công ty Veil Infrastructure Limited toàn bộ khoản vay cùng với tiền lãi gộp, tiền lãi phạt ngoài lãi gộp theo hợp đồng vay chuyển đổi”.

    Tại văn bản ngày 24-01-2005 Công ty Veil Infrastructure Limited đồng ý gia hạn cho việc chuyển đổi nợ thành vốn đến ngày 31-3-2005. Do Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh không thực hiện việc chuyển đổi, nên ngày 30 tháng 5 năm 2005 của Công ty Veil Infrastructure Limited đã làm đơn khởi kiện. Căn cứ vào khoản 3, điều 159 Bộ Luật tố tụng dân sự thì đơn khởi kiện của nguyên đơn nằm trong thời hiệu khởi kiện.

    Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhận của các bên đương sự có cơ sở xác định Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh có ký hợp đồng vay chuyển đổi ngày 06-11-1998. Tiếp đến ngày 20-10-2003 Công ty Veil Infrastructure Limited và Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh, Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh và các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh: ông Đoàn Nguyên Đức, bà Nguyễn Thị Hãnh, ông Đoàn Quang Đông, bà Nguyễn Kim Ngoan cùng với các ông Đoàn Quang Đoạt và Đoàn Quang Đạm có ký Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn. Hợp đồng vay chuyển đổi và Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn nói trên đã được đại diện có thẩm quyền của hai bên ký kết nên có giá trị pháp lý ràng buộc các bên thực hiện.

    Xét việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn và các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh phải trả khoản vay: 1.549.750USD, lãi vay trong hạn 6%/năm tính đến ngày 23-8-2006 là 715.959USD và lãi phạt tính đến ngày 23-8-2006 là 499.095,75USD. Tổng cộng là 2.764.804,90USD. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:

    Về số nợ gốc: Xét tại phiên Tòa sơ thẩm đại diện của bị đơn xác nhận trong việc thực hiện hợp đồng vay chuyển đổi ký ngày 06-11-1998 và Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn 20-10-2003, bị đơn có vay và còn nợ của nguyên đơn số tiền 1.549.750USD.

    Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số nợ gốc là 1.549.750USD.

    Về lãi vay và lãi phạt: Xét tại điều II.4 của Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ngày 20-10-2003 quy định: “Khoản vay cùng một phần lãi gộp… sẽ được chuyển đổi thành cổ phần của Công ty Veil Infrastructure Limited trong Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh trước ngày 01-01-2004. Nếu sau ngày 01-01-2004 khoản vay chưa được chuyển đổi thành cổ phần thì Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh, Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh cũng như các cổ đông sáng lập Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh cam kết trả lại Công ty Veil Infrastructure Limited toàn bộ khoản vay cùng với tiền lãi gộp, tiền lãi phạt ngoài lãi gộp theo hợp đồng vay chuyển đổi”.

    Do bị đơn không làm thủ tục chuyển đổi khoản vay thành cổ phần nên nguyên đơn đã đòi lại toàn bộ khoản vay, khoản lãi và tiền lãi phạt theo tính đến ngày 23-8-2006 theo bản giải trình về khoản vay ngày 23-8-2006 của nguyên đơn, trong đó tính lãi vay trong hạn 6%/năm tính đến ngày 23-8-2006 là 715.959USD và lãi phạt tính đến ngày 23-8-2006 là 499.095,75USD là chính xác và phù hợp với thỏa thuận của các bên trong hợp đồng vay chuyển đổi ngày 06-11-1998 và Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ngày 20-10-2003 nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền lãi phát sinh là 1.215 054,75 USD. Trong đó có lãi vay trong hạn 6%/năm tính đến ngày 23-8-2006 là 715.959USD và lãi phạt tính đến ngày 23-8-2006 là 499.095,75USD.

    Tổng cộng bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền là 2.764.804,75USD. Trong đó khoản vay là 1.549.750USD và số tiền lãi phát sinh là 1.215 054,75 USD.

    Về ý kiến của bị đơn và các Luật sư của bị đơn đề nghị Công ty Veil Infrastructure Limited tiếp tục thực hiện biên bản thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ký ngày 20-10-2003. Hội đồng xét xử có nhận định như sau :

    Xét trong việc thực hiện Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ngày 20-10-2003, do phía bị đơn không làm thủ tục chuyển đổi khoản vay thành cổ phần đúng hạn quy định trong Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn và đề nghị của bị đơn tại phiên Tòa không được đại diện của nguyên đơn là Công ty Veil Infrastructure Limited chấp thuận nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu tiếp tục thực hiện Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn của bị đơn.

    Xét yêu cầu miễn tính lãi và xin trả số nợ vay trong thời hạn 5 năm của bị đơn nhưng không được đại diện của nguyên đơn chấp thuận nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

    Về ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích ợp pháp của bị đơn cho rằng chỉ có Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh mới là bị đơn và chịu trách nhiệm trả nợ cho nguyên đơn còn Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh không phải là bị đơn. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:

    Xét tại điểm 1 phần II và điểm a, điều 4 phần II của Thỏa thuận gia hạn và chuyển đổi nợ thành vốn ngày 20-10-2003 do các bên ký kết có quy định: “…Nếu sau ngày 01-01-2004 khoản vay chưa được chuyển đổi thành cổ phần thì Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh, Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh cũng như các cổ đông sáng lập Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh cam kết trả lại Công ty Veil Infrastructure Limited toàn bộ khoản vay cùng với tiền lãi gộp, tiền lãi phạt ngoài lãi gộp theo hợp đồng vay chuyển đổi”.

    Do đó, việc bị đơn cho rằng trách nhiệm trả nợ chỉ thuộc về Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

    Về ý kiến của đại diện nguyên đơn cho rằng ngoài bị đơn thì các cổ đông của Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh tham gia phiên Tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ cho nguyên đơn. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:

    Xét những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham dự phiên Tòa hôm nay đều là thành viên, cổ đông của Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh đã góp vốn trong hai công ty trên nên yêu cầu họ phải liên đới chịu trách nhiệm cá nhân là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

    Về ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng bị đơn chỉ nợ nguyên đơn số nợ 1.549.750USD sau khi trừ 3,5% phí mà Công ty Dragon Capital đã hưởng. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:

    Xét tại phiên Tòa đại diện bị đơn đã thừa nhận nợ và các số liệu trong hồ sơ cũng thể hiện bị đơn có vay và còn nợ nguyên đơn số tiền là 1.549.750USD. Do đó việc Luật sư cho rằng phải trừ 3,5% trên số nợ 1.549.750USD là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

    Về ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị đưa Công ty Dragon Capital tham dự phiên Tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ khoản phí tư vấn 3,5% trên khoản tiền vay của Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:

    Xét giữa Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty Dragon Capital có hai biên bản thỏa thuận ngày 14-11-2997 và 16-12-1997 qua đó Công ty Dragon Capital nhận tư vấn tài chính cho Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và hưởng phí là 3,5%. Xét đây là thoả thuận không liên quan gì đến hợp đồng vay chuyển đổi nên không cần thiết đưa Công ty Dragon Capital tham gia phiên Tòa. Về tranh chấp phát sinh giữa Công ty Dragon Capital với Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh trong việc thực hiện 2 biên bản thỏa thuận trên các bên tự giải quyết, nếu không giải quyết được, các bên có thể khởi kiện bằng một vụ kiện khác.

    Về án phí, căn cứ vào khoản 2, điều 15 Nghị định 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ quy định về án phí và lệ phí Tòa án;

    Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh phải chịu án phí trên số tiền là 2.764.804,75USD được quy ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá ngày 24-8-2006 là 16.012 đồng/USD thành tiền là 44.270.053.675 đồng. Tiền án phí là 71.270.000 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.

    Hoàn trả toàn bộ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 32.991.390 đồng theo biên lai thu tiền số 005345 ngày 18-7-2005 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh cho Công ty Veil Infrastructure Limited.

    Vì các lẽ trên ;

    QUYẾT ĐỊNH

    Căn cứ vào điểm a, khoản 1, điều 35; khoản 3, điều 159 và khoản 2, điều 201 của Bộ Luật tố tụng dân sự;

    Căn cứ vào thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản;

    Căn cứ Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ quy định về án phí và lệ phí Tòa án;

    1. Chấp nhậïn một phần yêu cầu của Công ty Veil Infrastructure Limited buộc Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh phải liên đới chịu trách nhiệm trả cho Công ty Veil Infrastructure Limited 2.764.804,75USD. Trong đó có khoản vay: 1.549.750USD, lãi vay trong hạn 6%/năm tính đến ngày 23-8-2006 là 715.959USD và lãi phạt tính đến ngày 23-8-2006 là 499.095,75USD.

    Kể từ ngày 24-8-2006 trở đi Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh tiếp tục trả lãi trên số nợ gốc theo mức 9%/năm cho đến khi trả hết khoản vay.

    2. Về án phí :

    a) Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông Đức Hạnh phải chịu án phí là 71.270.000 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.

    b) Hoàn trả toàn bộ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 32.991.390 đồng theo biên lai thu tiền số 005345 ngày 18-7-2005 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh cho Công ty Veil Infrastructure Limited.

    4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án, riêng đối với đương sự vắng mặt tại phiên Tòa (ông Đoàn Quang Đạm và bà Nguyễn Thị Hãnh) thì thời hạn này được tính từ ngày bản sao bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết tại Ủy ban nhân dân Phường nơi có trụ sở và nơi cư trú, các bên đương sự có quyền kháng cáo bản án này lên Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao./.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 11:07:38 SA
     
    6566 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận