Công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động?

Chủ đề   RSS   
  • #612524 08/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 105 lần


    Công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động?

    Xử lý kỷ luật lao động là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo trật tự, kỷ tự và hiệu quả trong doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn liệu công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động?

    Nội quy lao động là văn bản quy định các quy tắc, quy định về hành vi, công việc và trật tự trong doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật khi nhân viên vi phạm.

     

    (1) Công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động?

    Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về nội quy lao động như sau:

    Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.

    Nếu công ty có 10 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghiêm cấm xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động như sau:

    - Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

    - Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

    - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

    Như vậy, trong trường hợp không có nội quy lao động, công ty chỉ được xử phạt kỷ luật nhân viên khi đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

    Ngoài ra, công ty chỉ được xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải nếu người lao động mắc phải một trong các lỗi được quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm:

    - Người lao động trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc.

    - Người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp hoặc có hành quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.

    - Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà còn tái phạm khi chưa được xóa kỷ luật.

    - Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày mà không có lý do chính đáng.

    (2) Công ty xử lý kỷ luật không đúng quy định sẽ bị xử phạt thế nào?

    Trường hợp tự ý xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên khi không có nội quy lao động cũng như không có thỏa thuận trong hợp đồng thì đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 

    Cụ thể, căn cứ theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

    - Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

    - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định.

    - Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

    - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.

    Ngoài xử phạt hành chính, người sử dụng lao động có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quảbuộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thuộc hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19.

    Tóm lại, trong trường hợp không có nội quy lao động, công ty chỉ được xử phạt kỷ luật nhân viên khi đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

    Trường hợp tự ý xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên khi không có nội quy lao động cũng như không có thỏa thuận trong hợp đồng thì đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo tiền từ 20 - 40 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

     
    172 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (12/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận