Trường hợp công trình được miễn cấp phép có cần thông báo thời điểm khởi công đến Ủy ban nhân dân cấp xã không?
Bài viết này cung cấp quy định về vấn đề trên.
Quy định về công trình được miễn cấp phép xây dựng hiện nay
Căn cứ khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 sửa đổi 2020 về các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
- Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
- Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
- Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
- Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
- Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này;
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
- Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h và i khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
Như vậy, trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo các quy định tại điểm b, e, g, h và i khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 sửa đổi 2020, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 sửa đổi 2020 thì chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
Quy định về cơ quan chủ đầu tư phải thông báo thời điểm khởi công xây dựng khi được miễn cấp phép theo quy định
Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật xây dựng 2014:
Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng gồm Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo câu chữ Luật xây dựng không có Ủy ban nhân dân cấp xã, theo câu chữ quy định, công trình được miễn cấp phép không cần thông báo thời điểm khởi công đến Ủy ban nhân dân cấp xã mà thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, khi thi công xây dựng công trình thường phát sinh các vấn đề liên quan như gây ồn ào, đổ thải, khói bụi,... thì chủ nhà ở cần liên hệ thêm với chính quyền quản lý tại địa phương để thông báo, được cơ quan hướng dẫn thực hiện thêm, căn cứ các quy định sau để quản lý vấn đề xử lý chất thải trong phá dỡ công trình:
Căn cứ Điều 64 Luật bảo vệ môi trường 2020 về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng
- Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
+ Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
+ Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
+ Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
+ Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
+ Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
+ Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
+ Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
- Chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 5 Điều này.
- Chất thải từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phải được tái sử dụng hoặc đổ thải theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước.
Theo quan điểm của tác giả, chủ đầu tư cũng nên thông báo với chính quyền địa phương cấp xã để được hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng theo quy định của địa phương.