Cộng đồng dân cư có thuộc đối tượng được cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng không?

Chủ đề   RSS   
  • #616049 05/09/2024

    Cộng đồng dân cư có thuộc đối tượng được cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng không?

    Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Vậy cộng đồng dân cư có thuộc đối tượng được cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng không?

    Rừng đặc dụng gồm những loại nào?

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Luật lâm nghiệp 2017 quy định rừng đặc dụng bao gồm:

    - Thứ nhất, vườn quốc gia;

    - Thứ hai, khu dự trữ thiên nhiên;

    - Thứ ba,  khu bảo tồn loài - sinh cảnh;

    - Thứ tư, khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

    - Thứ năm, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.

    Cộng đồng dân cư có thuộc đối tượng được cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng không? Mức kinh phí là bao nhiêu?

    Căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP quy định cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng như sau: 

    - Đối tượng:

    + Ban quản lý rừng đặc dụng;

    + Ban quản lý rừng phòng hộ;

    + Cộng đồng dân cư;

    + Các đối tượng khác theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 8 Luật lâm nghiệp 2017

    - Mức kinh phí:

    + Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP, được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng bình quân 150.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng đặc dụng được giao, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy ban quản lý rừng.

    + Đối tượng quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng bình quân 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao.

    + Kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III bằng 1,2 lần mức bình quân, vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP.

    + Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho đối tượng tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.

    => Theo đó cộng đồng dân cư có thuộc đối tượng được cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng. Đồng thời cộng đồng dân cư được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng bình quân 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao. Thêm vào đó Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.

    Trình tự thực hiện cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng đối với cộng đồng dân cư 

    Căn cứ tại điểm khoản 4 Điều 5 Nghị định 58/2024/NĐ-CP quy định trình tự thực hiện cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng đối với cộng đồng dân cư như sau:

    - Phương thức cấp kinh phí: căn cứ diện tích rừng được giao, kết quả bảo vệ rừng giữa chủ rừng là cộng đồng dân cư với Ủy ban nhân dân cấp xã. Thời hạn thực hiện theo năm, hoặc theo kế hoạch 3 năm, hoặc 5 năm;

    - Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã cùng với Kiểm lâm làm việc tại địa bàn có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư;

    - Trường hợp bên nhận kinh phí bảo vệ rừng để xảy ra mất rừng hoặc phá rừng hoặc không thực hiện theo kế hoạch được duyệt thì lập biên bản xác định diện tích rừng đã mất hoặc bị suy giảm, xác định rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành;

    - Kết quả nghiệm thu hằng năm là căn cứ để thanh toán, quyết toán kinh phí.

     

     
    60 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận