Đối với nữ, nghĩa vụ quân sự tuy không bắt buộc, nhưng nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì họ cũng có thể được tuyển chọn để tham gia nghĩa vụ quân sự. Như vậy, điều kiện để công dân nữ được tham gia nghĩa vụ quân sự là gì? Và nếu thực hiện nghĩa vụ quân sự, nữ giới sẽ làm những gì?
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ quân sự (quân dịch) là nghĩa vụ về quốc phòng mà công dân cần thực hiện trong quân đội dưới hình thức phục vụ tại ngũ hoặc phục vụ trong ngạch dự bị nếu đáp ứng các điều kiện tuyển chọn quân. Việc quản lý hoạt động tham gia nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam đang được thực hiện theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015 do Quốc hội ban hành.
Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về vấn đề này là điều mà chúng ta cần biết.
Vậy công dân nữ có được tham gia nghĩa vụ quân sự?
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 7 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 về đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự có quy định Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.
Đồng thời theo Khoản 2 Điều 7 Luật này cũng quy định công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân thì được phục vụ trong ngạch dự bị.
Cũng căn cứ theo Khoản 2 Điều 6 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Như vậy, nghĩa là công dân nữ từ đủ 18 tuổi trở lên và không nằm trong các trường hợp không được đăng ký nghãi vụ quân sự tại Điều 13 Luật này thì có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự dưới hình thức phục vụ tại ngũ hoặc phục vụ trong ngạch dự bị.
Các trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự
Căn cứ tại Điều 13 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định:
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Tuy nhiên, khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp tại quy định trên thì công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Tiêu chuẩn tham gia nghĩa vụ quân sự
Để được tham gia nghĩa vụ quân sự, cần phải đáp ứng các điểu kiện về tuổi đời; tiêu chuẩn chính trị, đạo đức; tiêu chuẩn sức khỏe; tiêu chuẩn học vấn.
Trong đó, tiêu chuẩn về sức khỏe, học vấn được quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 4 Thông tư 167/2010/TT-BQP về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm quy định như sau:
Tiêu chuẩn sức khỏe:
- Tuyển những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Các đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư này thực hiện các tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ, các tiêu chuẩn khác về sức khỏe thực hiện theo tiêu chuẩn chung.
- Những công dân mắt tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị), nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS, không gọi nhập ngũ vào Quân đội.
Tiêu chuẩn học vấn:
- Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ học vấn lớp 8 trở lên. Những địa phương thực sự khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì được tuyển chọn số có trình độ học vấn lớp 7.
- Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã biên giới được tuyển từ 20-25% có trình độ học vấn cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên, nếu vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu có thể tuyển một số không biết chữ để vừa huấn luyện, vừa học tập để nâng cao trình độ học vấn nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cho địa phương sau khi xuất ngũ.
- Tích cực tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề để giảm bớt lưu lượng đào tạo trong Quân đội, góp phần thực hiện công bằng xã hội và nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội.
Công dân nữ đi nghĩa vụ quân sự thì làm những gì?
Theo Nghị định 14/2016/NĐ-CP của Chính phủ có quy định những ngành, nghề chuyên môn của công dân nữ phù hợp yêu cầu Quân đội nhân dân. Cụ thể những ngành nghề như dưới đây.
Công dân nữ có các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; đại học, cao đẳng; trung cấp:
– Tài chính, kế toán, Luật, máy tính và công nghệ thông tin; Y dược (Y đa khoa; Y học dự phòng; Y học cổ truyền; Phục hồi chức năng; Răng – Hàm – Mặt…); Văn thư – Lưu trữ – Bảo tàng: Lưu trữ học, Bảo tàng học…
– Hoặc trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài các ngành ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật…
– Hoặc có trình độ đại học, cao đẳng ngành: sư phạm về Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng các dân tộc ít người, Ngoại ngữ; nghệ thuật nghe nhìn;
– Hoặc người được đào tạo về nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật nghe nhìn trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Bên cạnh đó, những ngành, nghề, chuyên môn phù hợp với yêu cầu Quân đội nhân dân còn có ngành hàng không về kiểm soát không lưu; nhóm nghề kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông hàng không với người có trình độ trung cấp.
Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ căn cứ vào Khoản 1 Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Trừ trường hợp tại Khoản 2,3 Điều này.
Tuy nhiên, Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn thay vì sẽ được xuất ngũ khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ theo như quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật nghĩa vụ quân sự 2015.