Công chứng viên có buộc phải ký vào từng trang của văn bản, hợp đồng công chứng không?

Chủ đề   RSS   
  • #616448 17/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Công chứng viên có buộc phải ký vào từng trang của văn bản, hợp đồng công chứng không?

    Khi tiến hành công chứng các loại giấy tờ, công chứng viên có bắt buộc phải ký vào từng trang của văn bản, hợp đồng công chứng không? Việc ký tên vào từng trang có ý nghĩa gì?

    (1) Công chứng viên có buộc phải ký vào từng trang của văn bản, hợp đồng công chứng không?

    Liên quan đến vấn đề này, tại khoản 1 Điều 46 Luật Công chứng 2014 có quy định:

    Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

    Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định về việc ký tên, điểm chỉ trong văn bản công chứng cũng có quy định như sau:

    Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

    Như vậy, dựa vào các quy định trên, pháp luật chỉ quy định yêu cầu công chứng viên ký và đóng dấu tổ chức hành nghề công chứng tại phần Lời chứng của công chứng viên, không yêu cầu bắt buộc công chứng viên phải ký vào từng trang của văn bản, hợp đồng công chứng.

    Tuy nhiên, trên thực tiễn, trong một số hợp đồng có giá trị cao, công chứng viên sẽ yêu cầu người yêu cầu công chứng thực hiện việc ký nháy lên từng trang của hợp đồng, và chính công chứng viên cũng thực hiện như vậy.

    Bởi vì việc ký tên của công chứng viên vào các văn bản, hợp đồng công chứng là một hành vi pháp lý có ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ thể hiện sự xác nhận của công chứng viên về nội dung của văn bản, hợp đồng mà còn chứng minh tính hợp pháp của giao dịch.

    Do đó, để đảm bảo rằng các nội dung trong hợp đồng đã được các bên nhất trí thỏa thuận và có công chứng viên làm chứng cho việc thỏa thuận đó, người yêu cầu công chứng và công chứng viên thường sẽ thực hiện ký nháy lên từng trang của hợp đồng.

    Việc không yêu cầu ký vào từng trang có thể được xem là một điểm thuận lợi, giúp giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng.

    Tuy nhiên, việc ký nháy vẫn được thực hiện trong các hợp đồng có giá trị cao là một biện pháp bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan, đồng thời tăng cường tính pháp lý cho văn bản, hợp đồng công chứng.

    Nó giúp các bên tham gia giao dịch đảm bảo rằng nội dung trong hợp đồng đã được công chứng viên chứng thực và không có sự thay đổi nào sau khi đã ký. Điều này góp phần tạo ra sự tin tưởng và an tâm cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

    (2) Trường hợp khác mà công chứng viên ký tên vào văn bản, hợp đồng công chứng

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Công chứng 2014, công chứng viên sẽ ký tên vào văn bản, hợp đồng công chứng khi sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, cụ thể:

    Công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.

    Như vậy, công chứng viên sẽ ký tên vào văn bản, hợp đồng công chứng trong trường hợp có lỗi kỹ thuật trong văn bản, hợp đồng công chứng.

    Theo khoản 1 Điều 50 Luật Công chứng 2014, lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.

     
    470 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận