Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018:
“Điều 20. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn
…
2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
…
d) Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;”
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng 2018:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;”
Theo đó, công chức sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (theo điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020) nhưng sau khi về hưu sẽ được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã trừ trường hợp lĩnh vực kinh doanh thuộc lĩnh vực mà trước đây công chức chịu trách nhiệm quản lý và phải đảm bảo thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ.
Trong đó:
-
Các lĩnh vực mà công chức không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ được quy định tại Điều 22 Nghị định 59/2019/NĐ-CP
-
Thời hạn mà công chức không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ quy định tại Điều 23 Nghị định 59/2019/NĐ-CP. Cụ thể:
+ Từ 12 tháng đến 24 tháng đối với nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành: Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Xây dựng; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ (theo khoản 1 Điều 22 của Nghị định này).
+ Từ 06 tháng đến 12 tháng đối với nhóm 2 gồm gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ủy ban Dân tộc (theo khoản 2 Điều 22 của Nghị định này).
+ Đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thì sẽ do các cơ quan này trực tiếp ban hành (theo khoản 3 Điều 22 của Nghị định này).
+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt thì thời hạn được xác định từ khi thực hiện xong chương trình, dự án, đề án (theo khoản 4 Điều 22 của Nghị định này).