Quyền thừa kế là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng, đặc biệt khi nhắc đến hàng thừa kế thứ nhất như con nuôi, con đẻ. Không ít người thắc mắc rằng liệu con nuôi không đăng ký có được hưởng thừa kế của cha mẹ nuôi như con đẻ không?
Bài viết này sẽ phân tích chi tiết vấn đề này dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, con nuôi hợp pháp được hưởng các quyền lợi như con đẻ, bao gồm quyền thừa kế tài sản từ cha mẹ nuôi. Tuy nhiên, đối với con nuôi khi chưa đăng ký, câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Việc con nuôi không được đăng ký hợp pháp có thể ảnh hưởng đến quyền thừa kế của họ.
(1) Con nuôi có được hưởng quyền thừa kế không?
Theo Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật dân sự.
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người thừa kế theo quy định của pháp bao gồm:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau theo khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền hưởng di sản bằng với con đẻ.
(2) Con nuôi không đăng ký có được hưởng thừa kế của cha mẹ nuôi?
Con nuôi sẽ được nhận thừa kế tài sản của cha mẹ nuôi khi việc nhận nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật, tức là phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình theo Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đề cập như sau:
Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.
Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.
Như vậy, mối quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi được xác lập sau khi đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đây là quy định tại Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, việc nhận con nuôi trước khi Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực sẽ được giải quyết theo Điều 50, cụ thể như sau:
Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
- Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống.
- Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
Chính vì vậy, việc nuôi con nuôi phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Sau khi đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được pháp luật công nhận việc nuôi con nuôi thì cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ có các quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm quyền thừa kế di sản của nhau theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp con nuôi không đăng ký thì không có quyền thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, con nuôi không đăng ký có thể hưởng thừa kế trong trường hợp hưởng thừa kế theo di chúc.
Căn cứ theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Nếu người để lại di sản (cha mẹ nuôi) có di chúc hợp pháp và trong di chúc đó có ghi nhận quyền thừa kế cho con nuôi không đăng ký, con nuôi vẫn có thể được hưởng thừa kế theo di chúc.
Tóm lại, con nuôi không đăng ký thì không có quyền thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên trong trường hợp cha mẹ nuôi có di chúc hợp pháp và có ghi quyền thừa kế cho con nuôi thì con nuôi dù không đăng ký vẫn có thể được quyền hưởng thừa kế theo di chúc.