CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP

Chủ đề   RSS   
  • #504071 06/10/2018

    buigiathang

    Mầm

    Thái Nguyên, Việt Nam
    Tham gia:23/10/2016
    Tổng số bài viết (31)
    Số điểm: 534
    Cảm ơn: 20
    Được cảm ơn 21 lần


    CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP

    Con đường sự nghiệp của mỗi người bắt đầu từ khi bắt đầu đi làm, thường là sau khi xong đại học. Ai trong chúng ta cũng có một đường sự nghiệp, hoặc rõ ràng hoặc lờ mờ trong đầu. Đường sự nghiệp của ta càng rõ, ta càng tập trung tốt vào cuộc hành trình. Tuy vậy, rất thường xuyên, đường sự nghiệp của ta đổi hướng bất ngờ. Đó là luật tự nhiên của cuộc đời. Đời là một dòng sông quanh co, không phải là một xa lộ thẳng tắp.

    Con đường sự nghiệp ta vẽ ra cho ta bắt đầu với công việc ta đang làm hay đang tìm, và tận cùng với đích điểm ta muốn đạt được vào cuối con đường— như là thành một người chủ của một công ty phần mềm do chính mình thiết lập và lãnh đạo.

    Giữa điểm khởi hành và điểm đến cuối cùng là các trạm trung chuyển. Đó là các mục tiêu trung hạn của mình—điều gì mình muốn gặt hái trong vòng 5 năm nữa, 10 năm nữa, như là, “5 năm kể từ hôm nay, tôi sẽ thu thập đủ kinh nghiệm để bắt đầu tập trung vào việc thiết lập công ty riêng cho tôi; 10 năm nữa kể từ hôm nay, tôi sẽ có một công ty vi tính với chi nhánh tại 5 thành phố lớn trong nước.” Các mục tiêu trung hạn, 5 hay 10 năm như thế, là các trạm dừng trên đường đến ga cuối cùng, rất quan trọng, vì chúng rất cụ thể để ta tập trung năng lượng vào đó.

    Thường thì chúng ta bắt đầu con đường sự nghiệp với một công ty tư nhân hay một tổ chức nhà nước. Đây là hai điểm khởi hành tương đối khác nhau. Công việc tại công ty tư nhân thường nhiều áp lực thời gian hơn công việc nhà nước và lương thường cao hơn, nhưng công việc thường tập trung vào chuyên môn hẹp hơn. Công việc nhà nước có lương thấp hơn nhưng kinh nghiệm thường rộng hơn, vì nhà nước thường phải giải quyết các vấn đề có tính cách vĩ mô và chính sách; đây là loại kinh nghiệm hầu như không thể có được trong các công ty tư.

    Tại nhiều quốc gia phát triển, nhiều sinh viên ra trường làm việc với nhà nước vài năm để lấy kinh nghiệm, rồi ra làm với các công ty tư. Tuy vậy, cũng có một số người chọn làm việc với nhà nước cả đời.

    Dù là làm ở đâu thì vấn đề không phải là công việc ở đâu hay hơn—vì công việc nào cũng hay nếu ta thích, và cũng không hay nếu ta không thích. Và ta thích một công việc hay không, có thể có nhiều lý do:

    - Ta có cảm thấy ta thuộc về (“belong to, là người của”) nơi ta đang ở hay không? Ví dụ, có nhiều người Việt ở nước ngoài không cảm thấy mình thuộc về quốc gia mình đang ở, nên chẳng bao giờ tha thiết xây đựng sự nghiệp gì cả.

    - Ta có cảm thấy ta thuộc về nghề ta đang làm hay không? Nếu mình chỉ muốn chơi nhạc chuyên nghiệp mà vì bị cha mẹ ép phải đi học y khoa, thành bác sĩ. Nhưng khám bệnh mà lòng cứ tương tư đàn địch, thì có lẽ nên xét lại nghề nghiệp chăng?

    - Ta có cảm thấy ta thuộc về công ty ta đang làm việc không? Nếu mình đang muốn làm đẹp cho đời mà phải làm việc với một nhóm người hoàn toàn không quan tâm gì đến đạo đức, bắt mình lươn lẹo theo, thì có lẽ mình cũng nên xét lại nơi làm chăng?

    Nhưng dù là lý do gì đi nữa, thì bạn chỉ có thể tiến triển trong con đường sự nghiệp nếu bạn vui trong công việc. Có nghĩa là, nếu bạn cảm thấy chán chường trong công việc, thì bạn nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao, và tìm cách điều chỉnh. Nguyên nhân có thể là một trong những lý do “thuộc về” bên trên, hoặc chỉ do bạn chưa hiểu ý nghĩa của công việc của bạn, hoặc bạn chưa biết làm việc tốt với đồng nghiệp, hoặc trái tim bạn đang bảo bạn đổi đường.

    - Nếu cảm thấy không thuộc về quốc gia mình ở, ta có thể cố làm việc tốt và xây dựng sự nghiệp tốt, để ta có thể có thêm cơ hội giúp đỡ đất nước và đồng bào bằng cách tham gia các hoạt động thiện nguyện.

    - Nếu cảm thấy không thuộc về nghề mình đang làm và tương tư nghề khác, bạn có thể tìm cách đổi nghề, hay cách tốt nhất là làm nghề mình đang làm và dùng “nghề yêu” của mình như là hoạt động nghệ thuật và giải trí (hobby) thường xuyên , như bác sĩ chơi nhạc thường xuyên cuối tuần.

    - Nếu bạn thấy bạn không thuộc về văn hóa hình sự của công ty bạn, thì có lẽ là bạn nên tìm việc nơi khác, vì ma mới thì không nên có mâu thuẫn với một đoàn ma cũ.

    - Đôi khi bạn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc làm của bạn. Ví dụ: Bạn làm kiểm toán và thấy sống với mấy con số cả đời chẳng được gì cả. Nhưng đó là vì bạn chưa hiểu rằng kế toán và kiểm toán là xương sống của hệ thống thương mại quốc gia. Hoặc bạn thấy chán nghề y tá, nhưng có thể đó là vì bạn quên rằng y tá là việc cứu người.

    - Ngoài những lý do lớn bên trên, nếu bạn không làm việc tốt với các đồng nghiệp, thì bạn nên xem lại cách ứng xử của bạn—Nếu bạn là ma mới, bạn có là học trò tốt của mọi người không, hay là bạn không biết học mà chỉ muốn làm thầy? Trong cách giao tiếp hàng ngày bạn tích cực, hay thích chê bai phê phán mọi người? Bạn có biết nói chuyện dịu dàng về các vấn đề không, hay chỉ biết để trong bụng, và nếu mở miệng là chỉ để gây gổ?

    - Đôi khi trái tim bạn chỉ muốn bạn thay đổi một chút, để tìm đường mới, như là nghỉ đi làm, hay đi làm bán thời gian, để đi học toàn thời gian. Sau đó mới lại tính chuyện công việc.

    Con đường sự nghiệp là một đường dài kết nối bởi nhiều điểm nhỏ, mỗi điểm là một ngày. Bí quyết để kết thúc con đường tốt đẹp là cố gắng tạo điều kiện để mỗi ngày là một ngày tốt đẹp.

    Và uyển chuyển với cuộc đời, vì có thể là một vài năm nữa, cuộc đời sẽ đưa bạn đến một ngã rẽ mà hiện nay bạn chưa nghĩ đến.

    LS Trần Đình Hoành

    BÙI GIA THẮNGEMAIL: BUIGIATHANG365@GMAIL.COM

     
    7422 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn buigiathang vì bài viết hữu ích
    saorenmax01 (27/06/2020) tlinhhg (10/10/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận