Thừa kế được hiểu là chuyển dịch tài sản từ người đã mất sang người còn sống. Nhiều người thì thường nghĩ rằng đã là con thì sẽ chắc chắn sẽ được hưởng quyền thừa kế từ bố mẹ mình. Với suy nghĩ này, có những người con đã không “gớm tay” mà hại cha mẹ của mình chỉ vì muốn có được tài sản.
Nhưng thực tế, pháp luật sẽ không cho một số trường hợp nhất định được hưởng quyền này, đó gọi là bị truất quyền thừa kế hoặc tước quyền thừa kế.
Cụ thể, tại Hưng Yên ghi nhận vụ việc 3 cô con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ để đòi chia quyền thừa kế khiến cả 4 mẹ con bị bỏng. Vậy 3 cô con gái có bị truất quyền thừa kế hay không?
Trường hợp bị tước quyền thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Như vậy, qua quy định nêu trên thì những cơ quan có thẩm quyền và chính người mẹ hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để không cho cả 3 cô con gái kia được hưởng bất cứ tài sản nào chứ không riêng gì ngôi nhà.
Tại sao lại có những vụ việc đáng tiếc như trên xảy ra?
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học cho rằng: chính sự suy thoái văn hoá, xuống cấp về đạo đức lối sống, mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội, kế hoạch phạm tội và quyết tâm thực hiện tội phạm của hung thủ. Chính vì sự mong cầu vật chất, mong muốn thỏa mãn lợi ích, nên con người ta mới sẵn sàng bảo vệ nó bằng mọi giá. Khi cảm thấy lợi ích bị xâm hại, hay không đạt được kỳ vọng, từ “Tham” sẽ chuyển hoá, kích động tâm “Sân” tức là sự nóng nảy, giận dữ trỗi dậy. Chính trong quá trình vận hành của tâm “Sân”, mà án mạng xảy ra.