Có thể xét xử vụ án khi vắng mặt bị đơn hay không?

Chủ đề   RSS   
  • #617471 14/10/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27682
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 575 lần
    SMod

    Có thể xét xử vụ án khi vắng mặt bị đơn hay không?

    Trường hợp bị đơn vắng mặt thì Tòa án có thể tiến hành xét xử không? Quyền phản tố của bị đơn được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    Có thể xét xử vụ án khi vắng mặt bị đơn hay không? 

    Căn cứ Điều 227 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

    - Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất: Đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

    Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

    - Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai: Đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

    - Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

    - Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.

    - Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

    - Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

    Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 238 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 cũng có nêu rõ, Tòa án vẫn sẽ tiến hành xét xử vụ án nếu nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

    Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, vẫn sẽ thực hiện xét xử đối với trường hợp bị đơn vắng mặt, cụ thể như sau:

    - Triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, nếu bị đơn không tham gia được và không có người đại diện tham gia, nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên tòa.

    - Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu bị đơn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp sau:

    + Bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa.

    + Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

    + Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử và đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn.

    (2) Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 200 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn như sau:

    - Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

    - Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp như sau:

    + Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

    + Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

    + Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

    - Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

    Theo đó, hiện nay, quyền phản tố của bị đơn được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.

     
    195 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận