Với sự ra đời của biển số định danh, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có thể tìm lại chiếc xe bị mất cắp thông qua biển số này hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé
(1) Biển số định danh là gì?
Từ ngày 15/8/2023, hệ thống biển số định danh đã chính thức được triển khai theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an ban hành.
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA, biển số định danh sẽ được cấp cho người dân Việt Nam và quản lý theo mã định danh của chủ xe, biển số định danh có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA.
Nói cách khác, biển số định danh sẽ gắn liền với người sở hữu xe chứ không chỉ đơn thuần là một dãy số để nhận biết chiếc xe như trước đây.
Mỗi biển số đều được liên kết với một mã định danh cá nhân duy nhất của chủ xe, mã định danh này được tạo ra dựa trên thông tin cá nhân của người dân và được sử dụng để quản lý nhiều dịch vụ công trực tuyến khác.
Việc gắn liền biển số với chủ xe giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, theo dõi các phương tiện giao thông, từ đó nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát trật tự an toàn giao thông.
Vì vậy, khi xảy ra các vụ việc liên quan đến xe như mất cắp, vi phạm luật giao thông, việc truy tìm chủ xe sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.
Từ đó, có một thắc mắc, liệu chủ nhân của xe có thể tìm lại xe bị mất cắp thông qua biến số định danh không?
(2) Có thể tìm lại xe bị mất cắp thông qua biến số định danh không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Thông tư 24/2023/TT-BCA, hệ thống đăng ký xe sẽ đã tự động mặc định biển số 5 số chưa làm thủ tục thu hồi là biển số định danh của người đứng tên trên giấy đăng ký xe.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 23 và Điều 25 Thông tư 24/2023/TT-BCA, trường hợp bị mất cắp xe máy trước ngày Thông tư 24/2023/TT-BCA có hiệu lực thì người dân cần trình báo với công an để nhập lên hệ thống "xe bị mất cắp" và làm thủ tục thu hồi chứng nhận đăng ký, biển số xe.
Trong quá trình thực hiện việc sang tên, nếu phát hiện số khung, số máy hay biển số khớp với thông tin về xe bị mất cắp đã có người trình báo trước đó, cơ quan chức năng sẽ mời người đứng tên trên hệ thống (chủ cũ) lên làm việc.
Nhờ vậy, chủ xe có cơ hội tìm lại xe đã bị mất cắp nếu người đang sở hữu xe đó đi làm thủ tục sang tên.
Mặt khác, theo điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA nếu chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó.
Do đó, khi bị mất cắp xe, chủ xe cần phải trình báo ngay cho công an để tránh được những liên lụy về các hành vi vi phạm của người đang chạy chiếc xe đó.
(3) Tội trộm cắp xe máy bị phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
- Tài sản là di vật, cổ vật.
Ngoài ra, nếu việc trộm cắp xe máy có các yếu tố sau đây thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức
- Có tính chất chuyên nghiệp
- Giá trị xe từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm
- Hành hung để tẩu thoát
- Tái phạm nguy hiểm
Theo đó, nếu việc thực hiện tội trộm cắp xe máy có đủ các yếu tố tăng nặng khung hình phạt thì người vi phạm có thể bị phạt tù tối đa lên đến 20 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.