Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về việc hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh có hiệu lực song hành cùng với Thông tư 34/2016/TT-BYT.
Theo đó, tại dự thảo lần này, Bộ Y tế có một số thay đổi đối với các hoạt động chẩn đoán, điều trị, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đơn cử, tại quy định về chấm dứt thai kì, Bộ Y tế đã bổ sung thêm một nguyên nhân nữa là do bệnh của bào thai (Trước đây chỉ có các trường hợp bào thai bị dị tật mới được xem xét để chấm dứt thai kỳ).
Quy định về chấm dứt thai kỳ vì lý do bệnh hoặc dị tật của bào thai được quy định như sau:
- Việc chấm dứt thai kỳ chỉ được xem xét khi có bất thường nghiêm trọng về hình thái, cấu trúc của bào thai, nguy cơ tàn phế cao; có bất thường nhiễm sắc thể; bào thai có bệnh di truyền phân tử do đột biến gen mà không có phương pháp điều trị đặc hiệu.
- Việc chấm dứt thai kỳ vì lý do bệnh hoặc dị tật bào thai được xem xét khi có sự đồng ý bằng văn bản của phụ nữ mang thai sau khi đã được cán bộ y tế tư vấn đầy đủ.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có Giấy phép hoạt động và có phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt về thực hiện các kỹ thuật chấm dứt thai kỳ phải tổ chức hội chẩn các chuyên khoa liên quan để xem xét việc chấm dứt thai kỳ.
- Thành phần tham gia hội chẩn bao gồm bác sỹ chuyên khoa có ít nhất 5 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành: sản khoa; nhi khoa; tim mạch; chẩn đoán, hình ảnh; xét nghiệm và giải phẫu bệnh lý. Tùy theo cơ sở y tế và loại bệnh/dị tật của thai nhi có thể yêu cầu thêm các bác sĩ thuộc chuyên khoa khác. Các thành viên tham gia hội chẩn có thể thuộc các khoa, phòng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc được mời từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét, quyết định chấm dứt thai kỳ vì lý do dị tật của thai nhi trên cơ sở kết luận sau hội chẩn.
Ngoài ra, dự thảo thông tư còn quy định nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.