Có thể đồng thời khiếu nại và khởi kiện hành chính không?

Chủ đề   RSS   
  • #515753 26/03/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Có thể đồng thời khiếu nại và khởi kiện hành chính không?

    >>> Khác biệt giữa KHIẾU NẠI và KHỞI KIỆN hành chính

    Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì các chủ thể bị xâm phạm luôn mong muốn vụ việc của mình được giải quyết đúng quy định và nhanh chóng nhất có thể. Do đó, thực tế không ít người thắc mắc liệu có quyền đồng thời khiếu nại vừa khởi kiện ra Tòa hay không?

    Câu trả lời là: Trong cùng 1 giai đoạn và dù ở bất cứ giai đoạn nào thì việc khiếu nại hành chính và khởi kiện ra Tòa hành chính không bao giờ được thực hiện đồng thời, nếu làm vậy sẽ chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Chủ thể bị xâm phạm chỉ có thể lựa chọn một trong hai loại thủ tục trên để giải quyết vụ việc.

    Kết luận trên được rút ra từ “trình tự khiếu nại” theo quy định hiện hành. Cụ thể, Luật khiếu nại 2011 đã ghi nhận trình tự này được diễn ra qua các bước sau:

    Bước 1: Tiến hành khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa

    Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

    Thời hạn thụ lý khiếu nại: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. (Thông tư 02/2016/TT-TTCP)

    Bước 2: Giải quyết khiếu nại lần đầu và khiếu nại lần hai

    Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

    Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

    Bước 3: Khởi kiện ra Tòa

    Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

    Như vậy, căn cứ trên cho chúng ta thấy rằng, đối với quyền khởi kiện ra Tòa án, người khiếu nại không được thực hiện đồng thời với việc khiếu nại. Quyền khởi kiện có thể thực hiện có thể thực hiện ở bất cứ giai đoạn nào, gồm có ba giai đoạn sau:

    (1) Không khiếu nại và tiến hành khởi kiện luôn;

    (2) Sau khi khiếu nại lần đầu mới tiến hành khởi kiện;

    (3) Sau khi khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết mới tiến hành khởi kiện.

    Thông thường, vì một số lý do khác nhau, người khiếu nại sẽ chưa thực hiện việc khởi kiện ngay từ lần đầu, mà đa số họ sẽ chọn hình thức khiếu nại.  Sau khi nhận được hoặc không nhận được văn bản hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, khi đó tùy khả năng đánh giá tình hình và tính chất của vụ việc, người khiếu nại có thể lựa chọn khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện.

    Xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện

    Thực tế, không loại trừ trường hợp các chủ thể bị xâm phạm không biết quy định “không thể đồng thời thực hiện thủ tục khởi kiện và khiếu nại” nên họ vừa tiến hành khởi kiện (có đơn khởi kiện) và vừa khiếu nại (có đơn khiếu nại) thì giải quyết như thế nào?

    Điều 33 Luật tố tụng hành chính 2015 đã có quy định cụ thể để giải quyết trường hợp này như sau:

    >>>TRƯỜNG HỢP CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI KHỞI KIỆN/KHIẾU NẠI

    Người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.

    Trường hợp người khởi kiện không thể tự mình làm văn bản thì đề nghị Tòa án lập biên bản về việc lựa chọn cơ quan giải quyết. Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án xử lý như sau:

    -Trường hợp 1: Người khởi kiện lựa chọn Tòa án giải quyết thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án;

    -Trường hợp 2: Trường hợp người khởi kiện lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì Tòa án căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 của Luật này trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.

    Trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Tòa án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

    Trường hợp người khởi kiện không lựa chọn cơ quan giải quyết thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

    >>>TRƯỜNG HỢP CÓ NHIỀU NGƯỜI KHỞI KIỆN/KHIẾU NẠI

    Trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tất cả những người này đều lựa chọn một trong hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thẩm quyền giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

    Trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trong đó có người lựa chọn Tòa án giải quyết và có người lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc trường hợp có người chỉ khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền và người khác chỉ khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết được xác định như sau:

    -Trường hợp 1: Quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại độc lập với nhau thì việc giải quyết yêu cầu của người khởi kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án, còn việc giải quyết khiếu nại của những người khiếu nại thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;

    - Trường hợp 2: Quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại không độc lập với nhau thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án.

    Trường hợp người khởi kiện không lựa chọn cơ quan giải quyết thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 26/03/2019 01:47:37 SA
     
    15419 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận