Có thể đòi nợ thay người thân đã chết không?

Chủ đề   RSS   
  • #602774 24/05/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2141)
    Số điểm: 74946
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1598 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Có thể đòi nợ thay người thân đã chết không?

    Chuyện vay, mượn nợ là chuyện thường tình trong cuộc sống. Có vay, có trả là điều đương nhiên, tuy nhiên, trong một số trường hợp người dân rơi vào thế khó và không biết cách xử lý thế nào? Cụ thể, vấn đề đòi nợ thay người thân đã chết, bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

    Nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định thế nào?

    Căn cứ Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    - Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

    - Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    - Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

    + Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

    + Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Xem bài viết liên quan: Người vay tiền không may qua đời thì số nợ có được xóa bỏ không?

    Người vay tiền đã mất thì người thân đòi thay được không?

    Ngoài ra, theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, khi đến hạn, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

    Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Trong đó, quyền đòi nợ cũng là một loại tài sản (quyền tài sản) và người cho vay có quyền để thừa kế quyền đòi nợ của mình.

    Do đó, trong trường hợp người thân đã mất thì các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất có quyền yêu cầu bên vay phải trả tiền. 

    Nếu bên vay cố tình không trả thì các đồng thừa kế có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết và buộc bên vay phải trả tiền cho gia đình người đã mất.

    Khi khởi kiện, gia đình cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc người thân đã mất có cho vay tiền để cơ quan có thẩm quyền dễ dàng xác định, chứng minh.

    Vay tiền nhưng đến hạn không trả nợ thì có bị truy cứu TNHS không?

    Ngoài ra, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau

    Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 04 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

    - Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

    Khung hình phạt cao nhất của tội này lag 07 năm tù. 

    Ngoài ra, phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

    Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

    Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Xem bài viết liên quan: Người vay tiền không may qua đời thì số nợ có được xóa bỏ không?

     
    1449 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (06/06/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận