Thực tế bạn có thể thấy nhiều khách sạn, nhà hàng thể hiện ngôn ngữ chủ yếu là tiếng nước ngoài (Ví dụ như tiếng Trung); sau đó ở phía dưới có ghi thêm dòng chữ tiếng Việt. Vậy việc sử dụng ngôn ngữ quảng cáo như vậy có đúng không?
Theo Điều 18 Luật Quảng cáo 2012 thì trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
- Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
- Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Theo đó, việc quảng cáo bằng chữ tiếng Trung thì vẫn được nhưng phải đáp ứng quy định trên. Nếu các khách sạn, nhà hàng thể hiện ngôn ngữ chính là tiếng Trung (in lớn hơn); sau đó bổ sung thêm dòng chữ tiếng Việt (nhỏ hơn) thì đã vi phạm quy định; việc vi phạm này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 52 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.