Có thể cầm giấy tờ xe máy không đứng tên mình được không?

Chủ đề   RSS   
  • #612714 13/06/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 28222
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 595 lần
    SMod

    Có thể cầm giấy tờ xe máy không đứng tên mình được không?

    Có thể cầm giấy tờ xe máy không đứng tên mình không? Khi cầm giấy tờ xe máy, chủ tiệm cần kiểm tra những gì? Cầm giấy tờ không chính chủ bị xử phạt thế nào? Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc nêu trên. 

    (1) Khi cầm giấy tờ xe máy, chủ tiệm cầm đồ cần kiểm tra những gì?

    Căn cứ Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP có quy định bên cạnh những trách nhiệm chung được quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn có trách nhiệm như sau:

    - Kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố, gồm: Giấy CMND/CCCD hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ cá nhân khác có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp, còn giá trị sử dụng, đồng thời photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh. 

    - Lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật. 

    - Đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu và cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản. 

    - Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. 

    - Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. 

    - Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự. 

    - Bố trí kho bảo quản tài sản cầm cố và đảm bảo an toàn đối với tài sản của người mang tài sản đến cầm cố.

    Theo đó, khi thực hiện cầm giấy tờ xe máy thì cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của đó như Giấy CMND/CCCD hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ cá nhân khác có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp, còn giá trị sử dụng, đồng thời photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh.

    (2) Có thể cầm giấy tờ xe máy không đứng tên mình được không?

    Như đã có nêu tại mục (1) thì những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba thì phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Trường hợp giấy tờ xe không rõ nguồn gốc hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật mà có thì cơ sở kinh doanh dịch vụ không được nhận cầm cố đối với tài sản đó.

    Đồng thời, tại Điều 309 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về cầm cố tài sản như sau:

    “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

    Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, khi cầm cố tài sản hay ở đây là giấy tờ xe máy thì phải thuộc sở hữu của bên cầm cố, đồng nghĩa với việc sẽ không thể cầm giấy tờ xe máy nếu như trên đó không đứng tên mình hoặc không được sự ủy quyền của người chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản.

    (3) Cầm giấy tờ xe máy không chính chủ bị xử phạt như thế nào?

    Trường hợp cầm giấy tờ xe máy không chính chủ thì sẽ xử phạt cả người cầm cố lẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm cố, cụ thể:

    Đối với người cầm cố: Tại Điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng đối với người nào có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác. 

    Đồng thời, người vi phạm tại đây còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi mà có được.

    Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm cố:

    Căn cứ Điểm l khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố thì sẽ bị xử phạt từ 05 đến 10 triệu đồng. 

    Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp. 

    Trường hợp tài sản nhận cầm cố là do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do phạm tội mà có được nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ sở kinh doanh dịch vụ còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

    Trường hợp không phải là giấy tờ xe máy mà là những giấy tờ khác như CMND/CCCD thì có thể bị phạt tiền từ 04 đến 06 triệu đồng theo Điểm c Khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP

    Trường hợp giấy tờ là hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC thì còn có thể bị phạt từ 03 đến 05 triệu đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

    Theo đó, trường hợp cầm giấy tờ xe máy không chính chủ thì sẽ bị xử phạt theo quy định như đã nêu trên.

     
    1045 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận