Việc miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng trong pháp luật quốc tế và Việt Nam được quy định như thế nào?
Nguyên tắc Pacta Sunt Servanda – tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của pháp luật hợp đồng. Theo đó, yêu cầu mỗi bên trong quan hệ hợp đồng phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của mình và chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện các nghĩa vụ có liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng một cách “máy móc” nguyên tắc này có thể dẫn đến những hậu quả, bởi lẽ không phải lúc nào hợp đồng cũng được thực hiện một cách suôn sẻ, nhiều khi có những sự cố diễn ra nằm ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát của các bên làm ảnh hưởng đến quá trình hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Do đó, để đảm bảo lẽ công bằng, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế đều có quy định cho phép miễn trừ trách nhiệm đối với bên vi phạm trong một số trường hợp nhất định, trong đó có quy định về miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Theo từ điển Black’s Law Dictionary, bất khả kháng (Force Majeure) được xác định là “một sự kiện hoặc hiện tượng không thể lường trước hay kiểm soát được”. Trong quan hệ hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng, sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện (event) hay hiện tượng (effect) xảy ra một cách khách quan, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các bên, cản trở một hoặc các bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Các sự kiện bất khả kháng cụ thể sẽ được các bên quy định trong hợp đồng (thường tại điều khoản về bất khả kháng) có thể khác nhau về cách tiếp cận theo từng loại hợp đồng cụ thể, nhưng điểm chung của chúng là (i) Sự kiện xảy ra một cách khách quan; (ii) Các bên không thể lường trước được tại thời điểm ký kết; và (iii) Hậu quả của sự kiện không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng. Mục đích của điều khoản bất khả kháng sẽ nhằm miễn trừ trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp có sự kiện khách quan xảy ra mà bên đó không lường trước được và không thể khắc phục được.
Pháp luật quốc tế điều chỉnh về hợp đồng mua bán hàng hóa, tiêu biểu nhất là Công ước Viên năm 1980, nhưng văn bản này lại không sử dụng thuật ngữ “bất khả kháng” (Force Majeure) mà sử dụng thuật ngữ “trở ngại” (impediment) để chỉ trường hợp bên vi phạm được miễn trừ trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, khoản 1 Điều 79 CISG có quy định nội dung sau: “Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó”.
“Trở ngại” trong CISG được hiểu là một sự ngăn trở việc thực hiện hợp đồng (barrier to performanc). Nó có thể là các sự kiện khách quan làm cho một bên vi phạm nghĩa vụ như các sự kiện về tự nhiên (thiên tai, hỏa hoạn), xã hội (đình công, biểu tình), chính trị (khủng bố, hành động của cơ quan công quyền),... Tuy nhiên, việc một sự kiện xảy ra có được xem là trở ngại theo cách hiểu của Điều 79 CISG hay không còn tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể kèm theo. Ví dụ, kho hàng của bên bán gặp sự cố cháy nổ nghiêm trọng nên không thể giao hàng theo đúng thời hạn cho bên mua. Rõ xét sự kiện khách quan ở đây là hỏa hoạn, nhưng liệu nó có được xem là trở ngại để miễn trách nhiệm hay không thì cần xem xét toàn diện như nguyên nhân xảy ra, tính chất phòng ngừa của bên bán, khả năng dự đoán trước hay phòng tránh, sự khắc phục thiệt hại của bên bán,... Nên đặt ra nhiệm vụ phải đánh giá toàn diện những điều kiện để được miễn trách nhiệm theo CISG (sẽ được phân tích tại mục 1.2).
Theo pháp luật Việt Nam, sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Đồng thời, khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 cũng đưa ra quy định về việc bên vi phạm hợp đồng thương mại sẽ được miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Và tác giả nhận thấy, cách tiếp cận này của pháp luật Việt Nam về cơ bản là tương đồng với quy định của CISG cũng như UPICC hay PECLđối với điều khoản về miễn trừ trách nhiệm.