Nhằm làm sáng tỏ vụ án và đánh giá các hành vi của bị cáo, Tòa án thường có văn bản yêu cầu các cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, các cơ quan không trả lời có vi phạm không?
Sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiến hành tố tụng
Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì trong phạm vi trách nhiệm của của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tại Điều này còn quy định nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
Vậy cơ quan nhà nước không thực hiện trả lời có vi phạm không?
Liên quan đến câu hỏi này, hiện tại hành vi không trả lời có thể xem là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, trong trường hợp này cần phải xem xét cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền này có hành vi như thế nào mà sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc từ chối hay hẹn trả lời sau của những người đại diện có nhiều lý do. Có thể họ không muốn công khai những nội dung của ngành, của cơ quan đơn vị mình ra trước phiên tòa, trước công luận. Có thể họ không nắm vững nội dung mà Hội đồng xét xử đặt ra. Có thể có những vấn đề vượt ngoài khả năng hay thẩm quyền của họ…
Thực tế, chưa có vụ việc nào xảy ra khi từ chối hay hẹn trả lời bằng văn bản sau dấu hiệu của hành vi “cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng”, nhưng rõ ràng việc không có câu trả lời kịp thời từ đại diện các cơ quan được triệu tập đến Tòa án gây ảnh hưởng nhất định đến công tác xét xử. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan cử đại diện đến tham dự phiên tòa là phải cử người có đủ năng lực trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình, nếu nội dung phức tạp thì nên cử một nhóm và có kết nối với cơ quan để nhanh chóng có câu trả lời cho Hội đồng xét xử, không phải chờ khất để làm văn bản trả lời sau.
Các văn bản trả lời sau vẫn có giá trị pháp lý, cần thiết cho việc giải quyết vụ án, nhưng nếu chậm trễ thì sau phiên tòa phúc thẩm, phải xem xét ở cấp giám đốc thẩm khiến vụ án kéo dài, gây phức tạp, tốn kém cho Tòa án, cho ngân sách nhà nước.Do đó, để thúc đẩy sự hợp tác tích cực hơn từ các cơ quan được triệu tập, phải tính đến biện pháp xử lý hành chính đối với những trường hợp biết rõ vấn đề nhưng từ chối khai báo vì mục đích nào đó.
Tòa án cũng cần có phản hồi kịp thời đến cơ quan cử đại diện là người không nắm được vấn đề cần làm rõ, để họ nhanh chóng cử người thay thế có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của Hội đồng xét xử. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án cũng có thể gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị có liên quan, về những vấn đề cần biết để họ có sự chuẩn bị cả về nội dung và người tham gia phiên tòa thì cũng phần nào hạn chế tình trạng không trả lời, xin khất trả lời sau như hiện nay.