Có phải xe máy mặc định được rẽ phải khi đèn đỏ? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến nhiều người băn khoăn, đặc biệt là những người tham gia giao thông bằng xe máy
(1) Có được rẽ phải khi đèn đỏ?
Khi tham gia giao thông, nhiều người mặc định xe máy được phép rẽ phải khi đèn đỏ, một số người khác thì lại cho rằng khi có tín hiệu đèn xanh mới được phép rẽ, chỉ những nơi có biển phụ hoặc đèn báo riêng cho phép xe máy rẽ phải cạnh đèn giao thông thì mới được phép rẽ phải khi đèn đỏ.
Hai luồng ý kiến trái chiều này đã tạo nên không ít tình huống dở khóc dở cười, khi người cho rằng xe máy mặc định được phép rẽ phải khi đèn đỏ thì bấm kèn inh ỏi để “xin đường”, có nhiều trường hợp còn xảy ra tranh cãi, lời qua tiếng lại khi người đứng chắn đằng trước cho rằng không được phép rẽ nên không nhường đường.
Thực tế, xe máy KHÔNG MẶC ĐỊNH được phép rẽ phải khi đèn đỏ, chỉ có 04 trường hợp mà người điều khiển xe máy được phép rẽ phải khi đèn đỏ bao gồm:
1- Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Theo Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT quy định, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
- Hiệu lệnh của đèn tín hiệu
- Hiệu lệnh của biển báo hiệu
- Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường
Như vậy, theo thứ tự ưu tiên trên, người tham gia giao thông phải tuân thủ hiệu lệnh rẽ phải của người điều khiển giao thông, ngay cả khi đèn báo hiệu màu đỏ.
2- Có biển báo phụ hoặc đèn tín hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải
Biển báo phụ có hình chữ nhật có nền xanh chữ trắng, ghi nội dung cho phép các phương tiện được phép rẽ phải. Còn đèn tín hiệu phụ có hình mũi tên xanh cho phép rẽ phải, cả hai thường được gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu.
Trường hợp biển báo, đèn tín hiệu có thêm ký hiệu xe máy, thì chỉ có xe máy mới được phép rẽ phải, các phương tiện khác phải dừng lại trước vạch kẻ đường khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ.
3- Có vạch mắt võng kết hợp kết hợp mũi tên chỉ dẫn rẽ phải
Theo điểm e Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT, vạch mắt võng có màu vàng, được đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường đi.
Vạch kẻ kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông, do đó người lái xe khi đi trên vạch mắt võng này có mũi tên chỉ dẫn rẽ phải thì buộc phải rẽ phải, không được dừng hay đỗ xe.
4- Tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông
Trong trường hợp này, người đi xe sẽ được rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ.
Tuy nhiên, dù là trường hợp nào, khi rẽ phải người điều khiển xe máy vẫn luôn phải chú ý quan sát, bật tín hiệu xi-nhan rẽ phải, nhường đường cho người đi bộ.
(2) Rẽ phải khi đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền?
Như vậy, ngoài 4 trường hợp trên, người điều khiển xe máy rẽ phải khi đèn đỏ sẽ bị CSGT thổi phạt, mức phạt được quy định tại điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
(3) Kết luận
Như vậy, xe máy không mặc định được rẽ phải khi đèn đỏ. Việc rẽ phải khi đèn đỏ chỉ được phép trong một số trường hợp có biển báo hoặc vạch kẻ đường cho phép, hoặc có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Người tham gia giao thông cần tuyệt đối tuân thủ luật lệ và chỉ rẽ phải khi đèn đỏ trong các trường hợp được phép như đã nêu trên. Việc rẽ phải khi đèn đỏ là hành vi vi phạm luật giao thông và có thể bị xử phạt.
Qua bài viết này, hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về việc rẽ phải khi đèn đỏ.
Hãy luôn lái xe an toàn và tuân thủ luật giao thông!