Khi đề cập tới câu chuyện hợp pháp hóa “độ xe”, tôi nhận được cả đống lý do phản đối. Nào là gây nguy hiểm rồi hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa đủ điều kiện cho phép…. mà vui nhất là lý do “nhìn mấy cha đi xe độ thấy ghét”.
Bạn ấy nói không phải không có lý. Tuy nhiên, tôi ngồi suy nghĩ theo chiều ngược lại và thử đưa ra một vài lý do nên hợp pháp hóa:
Thứ nhất, “độ xe” có thể biến 1 đồng thành 10 đồng
Một chiếc xe cũ bán không ai mua nhưng nếu được độ lại giá trị của nó có thể tăng gấp nhiều lần. Vậy sao chúng ta phải đợi cho nó đi vào bãi rác khó xử lý mà không hồi sinh nó?
Thứ hai, hiện nay cấm nhưng vẫn không quản lý được
Nếu hiểu một cách chính xác các quy định, việc độ những chi tiết bên ngoài của xe nếu xin phép vẫn được phép làm. Nhưng thực tế chúng ta vẫn hiểu là việc “độ xe” bị cấm như tự ý thay đổi màu sơn… Tuy nhiên, quy định pháp luật về vấn đề này vẫn khá mơ hồ và lõng lẻo. Đơn cử như Luật Giao thông đường bộ quy định “cấm thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định” nhưng làm sao biết được sau kiểm định họ làm gì? hay tại Nghị định 46 quy định về mức phạt vi phạm giao thông đường bộ quy định mức phạt kiểu “nhẹ tựa lông hồng” cho các vi phạm:
+ Phạt tiền từ 100 - 200.000 đồng đối với cá nhân và 200 - 400.000 đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô về hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn không đúng với Giấy đăng ký xe.
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy.
Tâm lý của người Việt là càng cấm càng thích làm, vậy thì tại sao chúng ta không hợp pháp hóa? Ban hành quy định chi tiết, kiểm soát chặt chẽ “giới hạn” của việc độ xe và quản lý như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo nguồn thu ngân sách. Bởi hiện nay các “lò độ” vẫn hoạt động như thường mà không có cơ chế nào để quản lý.
Đó là một vài suy nghĩ của tôi, Rất mong nhận được chia sẻ từ mọi người!