Vừa qua, Ngọc Trinh bị tuyên án 01 năm tù nhưng được HĐXX cho hưởng án treo. Vậy án treo là gì? Khi nào được hưởng án treo? Có được rút ngắn thời gian thử thách án treo hay không?
(1) Án treo là gì?
Căn cứ theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP thì án treo có thể được hiểu là việc tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện và được áp dụng đối với trường hợp người phạm tội vi phạm pháp luật ở mức độ ít nghiêm trọng. Toà án sẽ áp dụng án treo trong trường hợp mức án không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Để tránh nhầm lẫn, án treo không được xem như một hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Án treo cho phép người phạm tội miễn chấp hành hình phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo rằng nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù được hưởng án treo của bản án trước đó.
(2) Trường hợp nào được hưởng án treo?
Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP quy định về các trường hợp được hưởng án treo như sau:
- Bị xử phạt không quá 03 năm.
- Người phạm tội có nhân thân tốt.
- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên. Trong đó, phải có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 và Điều 52 Bộ Luật hình sự 2015. Trong trường hợp nếu có tình tiết tăng nặng thì người phạm tội phải có số tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn ít nhất là 02 tình tiết mới có thể được xem là thỏa điều kiện.
- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
(3) Có được rút ngắn thời gian thử thách của án treo không?
Câu trả lời là có, trường hợp người đang được hưởng án treo muốn được rút ngắn thời gian thử thách thì phải đáp ứng được những điều kiện được quy định tại Điều 89 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách
- Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019. Đồng thời, tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
Đối với trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019 và bị Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù.
Lưu ý:
- Việc rút ngắn thời gian thử thách chỉ được xét mỗi năm 01 lần, mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm. Trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách.
- Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu những lần tiếp theo mà họ có đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NĐ-HQTP.
- Người được hưởng án treo lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện quy định nêu trên thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại. Về định nghĩa của các trường hợp được cho là lập công và mắc bệnh hiểm nghèo được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NĐ-HQTP.
Như vậy, người đang được hưởng án treo vẫn có khả năng được rút ngắn thời gian thử thách nếu như đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.