Xử phạt hành chính về giao thông
Đây là câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc, tuy nhiên để có thể tìm được câu trả lời thích đáng, cần phải xem xét việc quay phim, chụp ảnh người thi hành công vụ dưới nhiều góc độ.
Thứ nhất, về quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư
Nhiều quan điểm cho rằng việc ghi âm, ghi hình người khác là xâm phạm đời sống riêng tư, và họ có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình (theo Điều 21 Hiến pháp 2013).
Tuy nhiên, bản chất của việc ghi âm, ghi hình khi bị xử phạt hành chính không phải là việc “xâm phạm quyền riêng tư”, bởi lẽ lúc này họ đang thi hành công vụ. Việc ghi âm, ghi hình là để thực hiện quyền giám sát của công dân đối với hoạt động “giám sát” của Nhân dân theo Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp 2013:
“2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”
Theo đó, Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó Khoản 5 Điều 3 Luật công an nhân dân 2018 cũng quy định: “Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân…”
Thứ hai, về quyền cung cấp chứng cứ khi khiếu nại, tố cáo, khởi kiện
Điều 115 Luật tố tụng hành chính 2015 có quy định:
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó…”
Hiện nay, pháp luật cho phép người dân được trực tiếp khởi kiện vụ án đối với một quyết định hành chính (tức quyết định xử phạt liên quan đến giao thông mà họ đã bị xử phạt) hoặc hành vi hành chính mà mình không đồng ý.
Để có thể khởi kiện một vụ án, một trong những quyền cơ bản mà đương sự (tức người bị xử phạt hành chính)
Tại Điều 55 của Luật này có quy định:
“Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, bao gồm:
…
5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
…”
Điều này có nghĩa, khi người dân muốn khởi kiện một vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, pháp luật cho phép họ có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Theo nguyên tắc của Tố tụng, một tài liệu, chứng cứ phải được Tòa án chấp thuận thì mới phát sinh tính pháp lý, và để có được sự chấp thuận đó, việc cung cấp đầy đủ băng ghi âm, ghi hình cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, làm rõ tính hợp pháp là điều hết sức cần thiết.
Thứ ba, ghi âm, ghi hình là thực hiện quyền dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Tại Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA có quy định về Hình thức giám sát của nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông như sau:
“…
5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.”
Theo những phân tích ở trên, chưa có quy định pháp luật nào cấm việc ghi âm, ghi hình quá trình xử phạt hành chính, vậy người dân chỉ cần giải thích được việc ghi âm, ghi hình của mình không ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ và cũng không nằm trong những khu vực không cho phép sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình thì không có căn cứ để cấm hành vi này.
Với những căn cứ nêu trên, theo quan điểm của người viết, việc ghi âm, ghi hình khi bị xử phạt hành chính là hoàn toàn hợp pháp.
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 17/11/2020 07:55:30 SA