Việc SGTVT trả lời bên chị như vậy không có gì trái quy định pháp luật, vì nguyên tắc doanh nghiệp phải kinh doanh đúng ngành nghề trên giấy chứng nhận, trường hợp muốn kinh doanh ngành nghề mới thì phải làm thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh với Sở kế hoạch đầu tư.
Về hoạt động kinh doanh vận tải hiện nay có 2 loại cơ bản:
- Kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải và thu cước phí vận tải trực tiếp từ khách hàng.
- Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Ví dụ: công ty kinh doanh thực phẩm cho xe ô tô để vận chuyển hàng hóa từ nhà xưởng sản xuất đến các cơ sở phân phối, và cước phí vận tải được tính vào giá sản phẩm bán ra.
Theo Công văn 6675/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải giải quyết một số kiến nghị về hoạt động kinh doanh vận tải thì cơ sở kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp mà không thuộc trường hợp phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải (GPKDVT) thì cũng không phải gắn phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình (GPS).
Các trường hợp không phải cấp GPKDVT là cơ sở trực tiếp sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn và có số lượng dưới 5 xe (Điều 50 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014).
Như vậy, chị xem lại phía công ty thực phẩm kia có bao nhiêu xe và khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông là bao nhiêu để xem có thuộc trường hợp phải cấp phù hiệu hay không.