Căn cứ Khoản 5 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông sáng lập có quyền tặng cho cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác.
Khi thực hiện quyền này, cổ đông sáng lập cần lưu ý các vấn đề sau đây:
1. Trường hợp cổ đông sáng lập tặng cho cổ phần cho cổ đông sáng lập khác
Theo Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhương cho cổ đông sáng lập khác mà không cần sự chấp thuận sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
2. Trường hợp cổ đông sáng lập tặng cho cổ phần phổ thông cho người không phải cổ đông sáng lập, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp này, cổ đông sáng lập chỉ được tặng cho cổ phần phổ thông nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông sáng lập dự định tặng cho cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần này.
3. Trường hợp cổ đông sáng lập tặng cho cổ phần phổ thông cho người khác không phải cổ đông sáng lập, sau thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận dăng ký doanh nghiệp
Theo Khoản 5 Điều 127, Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, thì cổ đông sáng lập được tự do tặng cho cổ phần phổ thông trong trường hợp này, không cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
4. Trường hợp cổ đông sáng lập tặng cho cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi khác (không phải cổ phần ưu đãi biểu quyết)
Theo điểm c khoản 2 Điều 117, khoản 2 Điều 118, khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, nếu Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng các loại cổ phần này và hạn chế quy định trong Điều lệ được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi, thì cổ đông cần tuân thủ các hạn chế này khi tặng cho cổ phần.
5. Cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần ưu đãi biếu quyết thì không được tặng cho cổ phần cho người khác (theo Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020).
Như vậy, để đảm bảo việc tặng cho cổ phần của cổ đông sáng lập không trái luật, cổ đông sáng lập cần lưu ý những điều nêu trên khi chuyển nhượng.