Cổ đông có bị giới hạn số lần chia lợi nhuận không?

Chủ đề   RSS   
  • #612180 31/05/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 105 lần


    Cổ đông có bị giới hạn số lần chia lợi nhuận không?

    Lợi nhuận là mục tiêu quan trọng của mọi doanh nghiệp, và việc chia lợi nhuận cho cổ đông là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các công ty cổ phần. Tuy nhiên, có một câu hỏi thường được đặt ra liệu các cổ đông có bị giới hạn số lần chia lợi nhuận  không?

    Căn cứ khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.

    Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp là phần lợi nhuận còn lại sau khi lấy tổng doanh thu trừ hết tất cả chi phí dùng cho sản phẩm, bao gồm thuế TNDN. Như vậy, lợi nhuận ròng chính là tiền lãi của doanh nghiệp sau khi đã đóng thuế.

     

    (1) Cổ đông có bị giới hạn số lần chia lợi nhuận không?

    Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. 

    Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

    - Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

    - Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

    - Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

    Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định việc trả cổ tức như sau:

    Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. 

    Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. 

    Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:

    - Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty.

    - Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân.

    - Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức.

    - Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận.

    - Thời điểm và phương thức trả cổ tức.

    - Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.

    Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cụ thể nào giới hạn số lần chia lợi nhuận trong một năm tài chính. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể chia lợi nhuận cho cổ đông nhiều lần trong năm tùy thuộc vào tình hình tài chính và lợi nhuận thực tế và nếu đại hội đồng cổ đông thông qua.

    - Việc chia lợi nhuận phải được quyết định bởi đại hội đồng cổ đông, nghĩa là bất kỳ quyết định nào về việc chia cổ tức đều phải có sự đồng thuận của các cổ đông thông qua bỏ phiếu trong đại hội đồng cổ đông.

    - Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Điều này đảm bảo quyền lợi của cổ đông và tránh tình trạng doanh nghiệp kéo dài thời gian thanh toán lợi nhuận.

    (2) Thu hồi tiền thanh toán cổ phần được mua lại hoặc cổ tức

    Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi theo khoản 1 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020

    Đối với cổ phần phổ thông, theo khoản 2 Điều 135 Luật doanh nghiệp 2020, cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty.

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty.

    Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

    - Trong trường hợp việc thanh toán cổ phần được mua lại trái với quy định tại khoản 1 Điều 134 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc trả cổ tức trái với quy định tại Điều 135 của Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020 , cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận.

     Căn cứ tại khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông theo quy định tại Điều 132, Điều 133 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

    - Trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.

    Như vậy, cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận hoặc nếu không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

    Tóm lại, pháp luật hiện hành không quy định giới hạn số lần chia lợi nhuận cho cổ đông, doanh nghiệp có thể chia lợi nhuận cho cổ đông nhiều lần trong năm tùy thuộc vào tình hình tài chính và lợi nhuận thực tế và nếu đại hội đồng cổ đông thông qua.

    Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

     
    216 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận