Cơ cấu tổ chức của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc TW bao gồm gì?

Chủ đề   RSS   
  • #610919 24/04/2024

    Cơ cấu tổ chức của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc TW bao gồm gì?

    Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Điều 1 Quyết định 699/QĐ-NHNN năm 2024 là đơn vị hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chi nhánh là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu và bảng cân đối tài khoản theo quy định của pháp luật.
     
    1. Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 
     
    - Phòng Tổng hợp - Kế toán.
     
    - Phòng Hành chính - Nhân sự và Kiểm soát nội bộ.
     
    - Phòng Tiền tệ - Kho quỹ.
     
    - Thanh tra, giám sát ngân hàng.
     
    Thanh tra, giám sát ngân hàng và Phòng Tổng hợp - Kế toán có con dấu riêng để dùng trong hoạt động nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
     
    Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Chi nhánh do Giám đốc Chi nhánh quy định trên cơ sở nội dung của Phụ lục đính kèm.
     
    2. Lãnh đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 
     
    - Lãnh đạo và điều hành Chi nhánh là Giám đốc. Giúp việc Giám đốc có một số Phó giám đốc. Tổ chức và hoạt động của Chi nhánh thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ và chế độ thủ trưởng.
     
    - Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc:
     
    + Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi nhánh theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Quyết định này; chịu trách nhiệm trước Thống đốc và pháp luật về hoạt động của Chi nhánh;
     
    + Phân công nhiệm vụ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó giám đốc, các phòng trong Chi nhánh;
     
    + Quản lý biên chế, thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức và người lao động theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc và quy định của pháp luật;
     
    + Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm soát nội bộ; chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối, phòng, chống rửa tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật;
     
    + Tham mưu, trình Thống đốc xem xét chấp thuận hoặc chấp thuận theo ủy quyền của Thống đốc danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng có trụ sở chính trên địa bàn và thực hiện đình chỉ các chức danh nói trên theo ủy quyền của Thống đốc và quy định của pháp luật;
     
    + Có văn bản cung cấp thông tin được khai thác trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ để Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham khảo cho việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ đối với Giám đốc và chức danh tương đương của đơn vị trực thuộc trên địa bàn trong trường hợp Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có văn bản đề nghị.
     
    Trong trường hợp cần thiết, có quyền kiến nghị với cấp có thẩm quyền đình chỉ công tác, xử lý hành chính hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, viên chức, người lao động thuộc tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng trên địa bàn có hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và phòng, chống rửa tiền;
     
    + Đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn;
     
    + Yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh;
     
    + Đại diện pháp nhân Ngân hàng Nhà nước trước cơ quan pháp luật tại địa phương theo ủy quyền của Thống đốc;
     
    + Quản lý việc công bố thông tin về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn; tiếp nhận, xử lý các thông tin do báo chí phản ánh liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn. Những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thống đốc (qua Văn phòng) để xử lý;
     
    + Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.
     
    - Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó giám đốc:
     
    + Giúp Giám đốc chỉ đạo điều hành một số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về những nhiệm vụ được phân công phụ trách;
     
    + Tham gia ý kiến với Giám đốc trong việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Chi nhánh theo nguyên tắc tập trung, dân chủ và chế độ thủ trưởng;
     
    + Khi Giám đốc đi vắng, một Phó giám đốc được ủy quyền (bằng văn bản) thay mặt Giám đốc điều hành công việc chung của Chi nhánh, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về những việc đã giải quyết và báo cáo lại khi Giám đốc có mặt.
     
    Như vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo điều hành quy định tại Điều 4, Điều 5 Quyết định 699/QĐ-NHNN năm 2024.
     
    27 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận