Có bắt buộc tiêm phòng cho chó, mèo không?

Chủ đề   RSS   
  • #609707 19/03/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Có bắt buộc tiêm phòng cho chó, mèo không?

    Ngày 19/3/2024, theo báo thanh niên, tình hình bệnh dại gây ra chủ yếu do chó, mèo đã bắt đầu cấp bách. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Từ đó, nổi bật lên vấn đề tiêm phòng cho chó mèo. Vậy tiêm phòng cho chó mèo có bắt buộc, pháp luật xử lý như thế nào?

    1. Có bắt buộc tiêm phòng cho chó mèo?

    Chó mèo hiện nay không chỉ là thú nuôi, mà còn là người bạn thân gắn bó với nhiều gia đình. Vì thế việc bảo vệ, chăm sóc, giữ an toàn cho chúng là trách nhiệm của người chủ, và giữ chúng an toàn với những người xung quanh cũng thế.

    Căn cứ Theo khoản 1 Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bởi Thông tư 09/2021/TT-BNNPTNT quy định về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi như sau:

    - Bệnh ở trâu bò: Lở mồm long móng, Nhiệt thán, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục

    - Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn;

    - Bệnh ở dê, cừu: Lở mồm long móng, Nhiệt thán;

    - Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn;

    - Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt;

    - Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật.

    Căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc điểm dịch tễ và sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ sung bệnh động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin theo quy định tại mục 1.1 của Phụ lục này cho phù hợp.

    Như vậy, người chủ bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại động vật cho chó, mèo của mình. 

    2. Bị xử phạt nếu không tiêm phòng cho chó, mèo như thế nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn như sau:

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    - Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

    - Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

    Như vậy, dựa vào quy định trên, không tiêm phòng cho chó, mèo bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    3. Xử lý trường hợp bị chó, mèo tấn công

    Căn cứ Điều 603 Bộ luật dân sự 2015, quy định:

    - Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

    - Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

    - Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

    Kết hợp với nội dung của khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP đã nêu phía trên, ta thấy, nếu chủ chó, mèo không xích giữ, để chúng cắn người chưa đến mức bị thương quá nặng, phải bồi thường tiền viện phí, sức khỏe tinh thần của người bị cắn. Ngoài ra còn bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    Tuy nhiên, nếu trường hợp chó, mèo cắn người mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

    (Căn cứ theo Điều 138 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017)

    Cuối cùng, nếu chó, mèo tấn công người mà gây chết người ( bệnh dại, thương tích quá nặng). Căn cứ Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, quy định:

    - Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    - Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

    Như vậy, những trường hợp chó, mèo tấn công người gây ra rất nhiều hệ lụy, nhẹ thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng, nặng hơn thì có thể là sinh mạng của người bị hại và 10 năm tù giam của chủ. Do đó, bản thân của những người chủ hãy chăm sóc, và quản chúng thật kỹ, giữ an toàn cho chúng và cả những người xung quanh.

    Tổng kết lại, tiêm phòng cho chó mèo là bắt buộc, vì sự an toàn của chúng và cả những người xung quanh chúng. Ngoài ra, việc theo sát, giữ chúng an toàn đối với những người xung quanh là điều cần thiết. Hãy là một người chủ có tâm với thú cưng và một người dân có trách nhiệm với xã hội.

     
    646 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn gryffin vì bài viết hữu ích
    admin (04/05/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận