Chào bạn, về câu hỏi của bạn, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong có những tư vấn như sau:
Điều kiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
Theo Điều 64 Luật Đầu tư, Nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện:
-
Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư có thể chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
-
Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép.
Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết về quản lý ngoại hối đối với việc chuyển vốn bằng ngoại tệ ra nước ngoài tại thông tư số 12/2016/TT-NHNN.
Nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư
Theo quy định tại điều 63 của Luật đầu tư, doanh nghiệp muốn chuyển tiền ra nước ngoài thì phải mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài. Giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài (và từ nước ngoài vào Việt Nam) phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn riêng mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Ngoài ra, Điều 5 Thông tư 12/2016/TT-NHNN: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 01 tài khoản vốn đầu tư bằng 01 loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước.
Đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Thẩm quyền xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư có trụ sở chính đối với nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng.
Hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối bao gồm:
1. Đơn đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục số 01).
2. Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
3. Bản sao tiếng nước ngoài, bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của nhà đầu tư về tính chính xác của bản sao và bản dịch) văn bản chấp thuận hoặc cấp phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư cấp hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
4. Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về việc mở tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư trong đó nêu rõ số tài khoản, loại ngoại tệ.
5. Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về số tiền nhà đầu tư đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (đối với trường hợp đã chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài).
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối:
Bước 1: Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp có thể thực hiện cùng lúc hai công việc sau (tùy thuộc vào pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và quy định của tổ chức tín dụng):
-
Xin chấp thuận/cấp phép quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư từ cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận và theo pháp luật của nước tiếp nhận.
-
Mở tài khoản vốn đầu tư tại tổ chức tín dụng được phép.
Trong đó Tổ chức tín dụng được phép là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bước 2: Nhà đầu tư gửi hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với ngân hàng Nhà nước (chi nhánh tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở).
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của nhà đầu tư.
Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Trân trọng./.