Tình huống đặt ra là ông A nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà B. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng giữa đôi bên chỉ mới làm xong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng (chưa nộp thuế cho nhà nước và chưa chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì phát sinh tranh chấp với người sử dụng đất liền kề là ông C. Như vậy, trượng hợp này ông A có quyền khởi kiện ông C không?
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
...
24. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là văn bản thể hiện người có quyền với mảnh đất đó. Việc ông A nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà B nhưng chưa làm thủ tục sang tên thì thông tin trên Giấy chứng nhận cũng như thông tin trong hồ sơ địa chính tại địa phương vẫn là của bà B. Lúc này, người có quyền và nghĩa vụ đối với mảnh đất đó là bà B chứ không phải ông A.
Vì vậy, khi chưa làm thủ tục sang tên thì nếu có phát sinh tranh chấp liên quan đối với mảnh đất đó thì bà B sẽ đứng ra thực hiện quyền tranh chấp chứ không phải ông A. Nếu muốn thì ông A làm xong thủ tục sang tên trước.