Về việc chuyển nhượng cổ phần của cá nhân nước ngoài cho người khác thì đó là vấn đề của cá nhân này, bản thân họ không phải xin phép. Tuy nhiên, cần lưu ý 2 vấn đề:
- Trước khi chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài này: người nước ngoài này cần làm thủ tục đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Đầu tư 2014 (về mặt quy định việc này có thể rơi vào trường hợp tùy nghi lựa chọn, nhưng tốt nhất và trên thực tế theo yêu cầu của nhiều Sở KHĐT thì nhà đầu tư nước ngoài đều phải làm thủ tục này trong tất cả các trường hợp).
- Khi người này chuyển nhượng cổ phần cho người khác:
+ Nếu chuyển cho người Việt Nam, tổ chức kinh tế Việt Nam (có vốn nước ngoài dưới 51%): thủ tục mà công ty cần làm (nếu có) là thủ tục Thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết theo Điều 52 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
+ Nếu chuyển cho một cá nhân nước ngoài khác thì ngoài việc công ty làm thủ tục theo điều 52 nêu trên, người nhận chuyển nhượng còn phải làm thủ tục đăng ký theo Điều 26 Luật Đầu tư 2014 (như việc đã nêu ở trên).
Cần lưu ý là việc này áp dụng trong trường hợp công ty đã hoạt động quá 3 năm, còn nếu công ty đang trong 3 năm đầu hoạt động, cổ phần này là cổ phần sáng lập vậy thì bản thân công ty cần làm thủ tục Thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần theo Điều 51 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu người chuyển nhượng cổ phần là cá nhân thì phải kê khai thuế TNCN (0,1% doanh thu chuyển nhượng cổ phần). Công ty chỉ ghi nhận việc thay đổi sau khi nhận đủ hồ sơ kê khai, nộp thuế TNCN.
Còn việc điều hành công ty như thế nào thì nó phụ thuộc vào nội bộ công ty - bản thân việc chuyển nhượng cổ phần này không phải là cơ sở trực tiếp dẫn đến sự thay đổi (nếu có): nếu như cổ đông mới này không có ý kiến nào khác về việc điều hành công ty thì hoạt động điều hành công ty vẫn thực hiện như bình thường.