Chuyển khoản nhầm cho người có nợ quá hạn, bị ngân hàng tự động trích nợ thì xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #616722 24/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 25930
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 529 lần
    SMod

    Chuyển khoản nhầm cho người có nợ quá hạn, bị ngân hàng tự động trích nợ thì xử lý thế nào?

    Trường hợp chuyển khoản nhầm vào tài khoản của người đang có nợ quá hạn, sau đó ngân hàng đã tự động trích nợ khoản tiền bị chuyển nhầm này thì xử lý thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Ngân hàng có quyền tự trích tiền từ tài khoản của khách hàng để thu nợ không?

    Căn cứ tiết iv điểm a khoản 1 Điều 21 Thông tư 17/2024/TT-NHNN có nêu rõ, Ngân hàng được quyền chủ động trích nợ tài khoản thanh toán của khách hàng theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để chi trả các khoản thanh toán thường xuyên, định kỳ hoặc thu các khoản nợ đến hạn, quá hạn, lãi và các chi phí phát sinh; việc trích nợ tài khoản thanh toán phải thông báo cho chủ tài khoản thanh toán biết.

    Từ quy định nêu trên, có thể thấy, ngân hàng hoàn toàn có quyền tự trích tiền từ tài khoản của khách hàng để thu nợ trên cơ sở thỏa thuận với chủ tài khoản (chủ thẻ tín dụng) và quy định của pháp luật.

    (2) Chuyển khoản nhầm cho người có nợ quá hạn, bị ngân hàng tự động trích nợ thì xử lý thế nào?

    Căn cứ Điều 579 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau:

    - Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ Luật Dân sự 2015.

    - Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ Luật Dân sự 2015.

    Đồng thời, tại Điều 580 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có quy định như sau:

    - Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được.

    - Trường hợp tài sản hoàn trả là vật đặc định thì phải hoàn trả đúng vật đó; nếu vật đặc định đó bị mất hoặc hư hỏng thì phải đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp tài sản hoàn trả là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả khoản lợi về tài sản đó cho người bị thiệt hại bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

    Đối chiếu với trường hợp chuyển khoản nhầm cho người có nợ quá hạn sau đó bị ngân hàng tự động trích nợ. Người nhận được tiền chuyển đến tài khoản tại đây phải có trách nhiệm hoàn trả lại lại cho người chuyển nhầm, vì trên thực tế người chủ tài khoản đã vô tình được hưởng lợi, cụ thể là trả được khoản nợ quá hạn cho ngân hàng.

    (3) Người chủ tài khoản không hoàn trả số tiền bị chuyển nhầm thì xử lý thế nào?

    Đối với trường hợp người chủ tài khoản trong trường hợp này không tự nguyện trả lại số tiền bị chuyển nhầm thì người chuyển có quyền khởi kiện ra Tòa án để đòi lại tiền.Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 166 Bộ Luật Dân sự 2015 có nêu rõ:

    “1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.”

    Mặc dù tại đây, khoản tiền đã không còn trong tài khoản của người nhận, nhưng về bản chất vẫn được hiểu tương tự như việc chủ tài khoản “chiếm giữ” tài sản. Vì vậy, trường hợp này có thể xem xét xử lý về hành vi chiếm giữ tài sản.

    Trường hợp người nhận tiền có khả năng hoàn trả nhưng cố ý không thực hiện thì còn có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính từ 03 đến 05 triệu đồng và buộc trả lại tiền về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

    Bên cạnh đó, người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 với mức xử phạt cao nhất lên đến 02 năm tù.

     
    127 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận