Vừa qua, dư luận xôn xao việc cô giáo mầm non Trương Thị Lan chỉ cầm được 1.3 triệu lương hưu sau 37 năm thâm niên nghề giáo, trong đó có 22 năm 8 tháng đóng BHXH.
Bàng hoàng, cám cảnh, xót xa,… cho cô giáo yêu nghề, nhưng về lý, mức lương hưu đó là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Điều này đã được thể hiện rõ trong công văn trả lời về vụ việc, mà cụ thể là đoạn trích dưới đây:
Như vậy, nguyên nhân chính khiến lương hưu của cô Lan thấp là do mức lương bình quân làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội của cô rất thấp, thậm chí không cao hơn mức lương tối thiểu là bao.
Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, nguyên nhân mấu chốt dẫn đến lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tiền lương làm căn cứ đóng thấp và thời gian đóng BHXH ngắn. Xét trên tổng thể chung thì số tiền mà giáo viên mầm non đóng vào quỹ BHXH trong vòng 20 năm chỉ đủ chi trả lương hưu cho họ trong vòng chưa đầy 6 năm (Do tỷ lệ đóng góp hàng tháng chỉ là từ 15% đến 22% tiền lương, còn tỷ lệ hưởng lương hưu là 60% tiền lương).
Đó là cái lý, nhưng còn cái tình, có ai không nghẹn khuất khi ngần ấy năm đứng trên bục giảng, đào tạo biết bao thế hệ để rồi khi về già, chỉ nhận được số tiền ít ỏi nhường ấy cho bao năm cống hiến. Khi nhận lương hưu, cô Lan chỉ biết nghẹn ngào ôm chầm lấy những người đồng nghiệp của mình òa khóc, vì nó bèo bọt quá.
Bấy lâu nay, nếu chế độ đãi ngộ đối với giáo viên ở nước ta vẫn luôn được đánh giá là thấp so với mặt bằng chung khu vực và thế giới, thì đối với giáo viên mầm non công lập, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, mức lương của giáo viên lại càng thấp hơn, thậm chí không đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản. Trụ lại với nghề là một sự hy sinh và kiên trì biết bao. Thế liệu có quá bất công khi họ chỉ nhận được ngần ấy lương hưu dù cũng tham gia đóng BHXH mười mấy, hai chục năm hay thậm chí nhiều hơn? Phải chăng nên có thêm chính sách hỗ trợ gia tăng mức sống của giáo viên mầm non công lập? Vụ việc của cô Lan chính là hồi chuông nhắc nhở xã hội, đặc biệt là các cấp có thẩm quyền đi tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên.