Vừa qua, trên các trang báo điện tử có đưa tin về vụ việc, người phụ nữ có những lời nói lăng mạ, chửi bới CSGT khi chồng bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, hành vi chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ không chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vậy mức xử phạt đối với người lăng mạ người thi hành công vụ là gì?
Ai được xác định là người thi hành công vụ?
Liên quan đến vấn đề người thi hành công vụ, ngày 17/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; trong đó căn cứ tại Khoản 1 Điều 3 quy định:
Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Ngoài ra, tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 cũng có quy định:
Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.
Hành vi lăng mạ, đe dọa người thi hành công vụ bị xử lý thế nào?
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ như sau:
- Điểm b khoản 1 quy định phạt tiền từ 04-06 triệu đồng đối với người có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.
Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc xin lỗi công khai
- Điểm a khoản 2 quy định phạt tiền từ 06-08 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ .
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự Tội làm nhục người khác
Cụ thể, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù nếu hành vi đó có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này.
Trường hợp dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, sẽ bị truy cứu hình sự Tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức cao nhất cho tội này có thể phạt tù lên đến 07 năm.
Cản trở người thi hành công vụ gây thương tích bị xử lý thế nào?
Có không ít trường hợp người vi phạm sử dụng vũ lực gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, mặc khác, hiện nay Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội chống người thi hành công vụ lại mới chỉ quy định về mức phạt tù với hành vi chống người thi hành công vụ gây thiệt hại về tài sản. Vậy, với trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe thì xử lý thế nào?
Về vấn đề này, trường hợp gây thương tích với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Cụ thể, nếu gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo đó, mức phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017. Mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.