Chào bạn,
Như các luật sư đã trao đổi về câu hỏi của bạn, Luật sư Đào Thị Liên công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, căn cứ pháp luật liên quan đến nội dung này bao gồm:
Khoản 2, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Do vậy có thể thấy việc “gia công”, sửa chữa bản vẽ” chính là hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Giấy phép thành lập văn phòng đại diện bên bạn đã nêu rõ: “Không được tiến hành các hoạt động kinh doanh”, do vậy nếu vẫn tiến hành kinh doanh tức là thực hiện các hoạt động không được phép của Văn phòng đại diện;
Khoản 1, Điều 37 Luật Doanh nghiệp: “Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Tổ chức và hoạt động của văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật”. Tức là Văn phòng đại diện chỉ được tiến hành các hoạt động đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích đó, như hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy giao lưu thương mại và mua bán hàng hóa trong phạm vi quy định trong Giấy phép thành lập văn phòng đại diện mà không được phép thực hiện một phần hay toàn bộ chức năng của doanh nghiệp (sản xuất, kinh doanh) như đối với chi nhánh.
Do vậy, có thể kết luận việc Văn phòng đại diện “gia công”, “sửa chữa bản vẽ” - là việc tiến hành hoạt động kinh doanh, do vậy trái với quy định của pháp luật.
Để có thể thực hiện được các hoạt động này tại Việt Nam, doanh nghiệp của bạn nên thành lập chi nhánh để thực hiện: “Toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp” (Khoản 2, Điều 37 Luật Doanh nghiệp).
Thứ hai, vi phạm và chế tài xử phạt trong trường hợp này:
Khoản 3, Điều 86 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 – 11 – 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi “Hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép của văn phòng đại diện” có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, bạn có thể điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Trân trọng./.