Những ngày qua dư luận đang xôn xao thông tin chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức rước, trưng bày vật thể tâm linh được cho là “xá lợi tóc của Đức Phật” được lưu giữ hơn 2600 năm. Tuy nhiên, hoạt động này của chùa đã bị xử lý và yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ thông tin liên quan, vậy hoạt động trưng bày trên đã vi phạm điều gì?
Hoạt động của chùa Ba Vàng đã vi phạm những gì?
Cụ thể, từ ngày 23 - 27/12/2023 chùa Ba Vàng đã tổ chức rước “xá lợi tóc của Đức Phật” từ Myanmar về Việt Nam, cùng với đó là các chư, tăng và trụ trì của chùa một tu viện tại Myanmar về chùa Ba Vàng để làm lễ.
Theo các trang báo uy tín có thông tin về “xá lợi tóc của Đức Phật” là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật đã tự tay nhổ trên đầu mình trao cho các thương nhân người Myanmar vào 2600 năm trước.
Với thông tin trên đã tạo sự thu hút cho hàng ngàn người đổ về chùa Ba Vàng trong 4 ngày diễn ra đại lễ để cho các phật tử chiêm ngưỡng và người dẫn thỏa mãn sự hiếu kỳ.
Sự việc trên ngày càng đi xa hơn với nhiều hình ảnh xuất hiện trên mạng rất lố lăng như “xá lợi tóc Đức Phật” có thể chuyển động, phật tử ngồi khóc bên dưới,... Dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của tôn giáo.
Trước đó, chùa Ba Vàng đã bị xử phạt với hoạt động thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, xin chuyển sang hệ phái Nam tông kinh, phát ngôn gây mất đoàn kết liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu,...
Chùa Ba Vàng sẽ bị xử lý ra sao?
Vào ngày 02/1/2024 Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, làm rõ để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thẩm định “xá lợi tóc của Đức Phật”. Tuy nhiên, sau khi sự việc ngày càng đi xa thì chùa Ba Vàng đã trả “xá lợi” về lại Myanmar cũng như xóa hầu hết các video liên quan đến rước lễ.
Căn cứ Điều 10 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng như chùa, nhà thờ phải thực hiện theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thứ hai: Việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, việc tổ chức tín ngưỡng như lễ rước “xá lợi tóc của Đức Phật” phải được đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo Điều 16 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016:
- Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.
- Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến UBND cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi.
Văn bản đăng ký nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, các hoạt động tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.
UBND cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.
- Hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đã được đăng ký thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm đăng ký bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều này chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra hoạt động tín ngưỡng.
Trên đây là các quy định mang tính chất tham khảo, vụ việc vẫn được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và sẽ có quy định xử lý cụ thể trong thời gian tới.