Khi thuê trọ thì có một số chủ trọ yêu cầu giữ bản gốc thẻ căn cước, CCCD của người thuê. Chủ trọ làm như thế có đúng quy định không? Trường hợp này người thuê phải làm thế nào?
Chủ trọ có được quyền giữ thẻ căn cước, CCCD của người thuê không?
Theo khoản 2 Điều 29 Luật Căn cước 2023 quy định thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp sau đây:
- Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Cụ thể, Điều 23 Nghị định 70/2024/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù phải xuất trình và giao nộp thẻ căn cước cho cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý; trừ trường hợp người đó không có thẻ căn cước.
Như vậy, chỉ có cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là được phép giữ thẻ căn cước, CCCD của công dân.
Theo đó, chủ trọ sẽ không được giữ thẻ căn cước, CCCD của người thuê, nếu vẫn thực hiện là đang vi phạm pháp luật.
Chủ trọ giữ thẻ căn cước, CCCD của người thuê bị xử lý thế nào?
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân;
- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
Như vậy, chủ trọ giữ thẻ căn cước, CCCD của người thuê là đang chiếm đoạt thẻ căn cước, CCCD của người thuê, sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng và bị buộc nộp lại thẻ căn cước, CCCD đã chiếm đoạt.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 02 lần cá nhân.
Khi thẻ căn cước bị cơ quan có thẩm quyền giữ thì căn cước điện tử xử lý thế nào?
Theo Điều 34 Luật Căn cước 2023 quy định về khóa, mở khóa căn cước điện tử như sau:
- Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:
+ Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
+ Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
+ Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
+ Khi người được cấp căn cước điện tử chết;
+ Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
- Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 34 Luật Căn cước 2023, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.
Như vậy, khi thẻ căn cước bị cơ quan có thẩm quyền giữ thì căn cước điện tử cũng sẽ bị khoá và sẽ được cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa.