Chủ tịch UBND tỉnh có lịch tiếp công dân nhưng không tiếp công dân có quyền khiếu nại?

Chủ đề   RSS   
  • #606377 26/10/2023

    Chủ tịch UBND tỉnh có lịch tiếp công dân nhưng không tiếp công dân có quyền khiếu nại?

    Trường hợp nào được từ chối tiếp công dân? Trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc trực tiếp tiếp công dân? Chủ tịch UBND tỉnh có lịch tiếp công dân nhưng không tiếp công dân có quyền khiếu nại? Ai có thẩm quyền giải quyết việc khiếu nại này?

    Trường hợp nào được từ chối tiếp công dân?

    Theo Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định về  Việc từ chối tiếp công dân như sau:

    Người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp:

    - Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

    -Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

    Khi từ chối phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân.

    Trường hợp Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân.

    Thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 04/2021/TT-TTCP.

    Trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc trực tiếp tiếp công dân?

    Theo Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân:

    - Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

    Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị.

    - Việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải được công chức, viên chức giúp việc ghi chép đầy đủ vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân và được lưu tại nơi tiếp công dân.

    Ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân phải được lập thành văn bản và gửi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo; ấn định thời gian giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật và cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải quyết phải gửi kết quả giải quyết cho công dân được biết.

    - Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết.

    - Kết thúc việc tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ra thông báo kết luận việc tiếp công dân.

    Chủ tịch UBND tỉnh có lịch tiếp công dân nhưng không tiếp công dân có quyền khiếu nại?

    Theo Luật tiếp công dân 2013 quy định Quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó:

    Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân.

    Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh có lịch tiếp công dân nhưng không tiếp công dân, không có bất kỳ lý do từ chối hay trường hợp bất khả kháng gì mà không thực hiện tiếp công dân đúng quy định pháp luật thì công dân có thể khiếu nại, tố cáo về hành vi của Chủ tịch UBND tỉnh.

    Ai có thẩm quyền giải quyết việc khiếu nại này?

    Theo Luật khiếu nại 2011 quy định đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

    Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

    Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

     
    482 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận