Các loại Huân chương, Huy chương hay các danh hiệu vinh dự nhà nước hiện nay là do Chủ tịch nước quyết định tặng hoặc truy tặng cho những người có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy thì cụ thể hiện nay Chủ tịch nước có quyền quyết định tặng những hình thức khen thưởng nào?
Chủ tịch nước có quyền quyết định tặng những hình thức khen thưởng nào?
Theo Điều 77 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có quy định về thẩm quyền quyết định khen thưởng, trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, thì thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định như sau:
"Chủ tịch nước quyết định tặng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước."
Như vậy, Chủ tịch nước có quyền quyết định tặng những hình thức khen thưởng gồm:
- Huân chương;
(Theo khoản 2 Điều 33 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 thì Huân chương gồm:
+ “Huân chương Sao vàng”;
+ “Huân chương Hồ Chí Minh”;
+ “Huân chương Độc lập” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
+ “Huân chương Quân công” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
+ “Huân chương Lao động” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
+ “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
+ “Huân chương Chiến công” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
+ “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”;
+ “Huân chương Dũng cảm”;
+ “Huân chương Hữu nghị”.)
- Huy chương;
(Theo khoản 2 Điều 54 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 thì Huy chương gồm:
+ “Huy chương Quân kỳ quyết thắng”;
+ “Huy chương Vì an ninh Tổ quốc”;
+ “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
+ “Huy chương Hữu nghị”.)
- “Giải thưởng Hồ Chí Minh”;
- “Giải thưởng Nhà nước”;
- Và các danh hiệu vinh dự nhà nước.
(Theo khoản 2 Điều 59 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 thì danh hiệu vinh dự nhà nước gồm:
+ “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”;
+ “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;
+ “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”;
+ “Anh hùng Lao động”;
+ “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”;
+ “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”;
+ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”;
+ “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.)
Chủ tịch nước quyết định tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cho cá nhân khi đáp ứng điều kiện gì?
“Giải thưởng Hồ Chí Minh” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là tác giả hoặc đồng tác giả của một hoặc nhiều công trình, tác phẩm đáp ứng tiêu chuẩn dưới đây và đã được công bố, sử dụng kể từ ngày 02 tháng 9 năm 1945, bao gồm:
- Công trình khoa học và công nghệ, giáo dục;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình nghiên cứu lý luận phê bình dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát hoặc các hình thức khác.
Ngoài ra, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cũng được tặng hoặc truy tặng cho người nước ngoài tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam, là tác giả hoặc đồng tác giả của tác phẩm, công trình nghiên cứu về Việt Nam.
“Giải thưởng Hồ Chí Minh” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân là tác giả hoặc đồng tác giả của một hoặc nhiều công trình, tác phẩm vừa nêu ở trên và đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Đặc biệt xuất sắc;
- Có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng;
- Có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
Như vậy, Chủ tịch nước quyết định tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cho cá nhân là tác giả hoặc đồng tác giả của một hoặc nhiều công trình, tác phẩm (công trình khoa học, công nghệ, giáo dục, tác phẩm văn học nghệ thuật,...) khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao, có tác dụng phục vụ sự nghiệp cách mạng,...
(CCPL: Điều 68, 69 Luật Thi đua, khen thưởng 2022)