Diện tích đất được xác định là lấn chiếm trong những trường hợp nào? Khi xác nhận đất nhà mình bị lấn chiếm thì chủ sở hữu phải xử lý như thế nào?
Diện tích đất được xác định là lấn chiếm trong những trường hợp nào?
Căn cứ Nghị định 123/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04.10.2024 thì không định nghĩa “Hành vi lấn chiếm đất” là gì và cũng không liệt kê các trường hợp được xem là lấn chiếm đất.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 đến khoản 6 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP có liệt kê các mức xử phạt đối với các hành vi lấn chiếm đất. Do đó có thể hiểu rằng hành vi lấn chiếm đất bao gồm:
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất)
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất phi nông nghiệp
- Hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa
- Đối với hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực; đất xây dựng các công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn; đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công
Khi xác nhận đất nhà mình bị lấn chiếm thì chủ sở hữu phải xử lý như thế nào?
Theo đó, khi chủ sở hữu xác định đất của mình bị lấn chiếm thì có thể thực hiện những bước sau đây:
1.Xác định phạm vi lấn chiếm:
Đầu tiên, nên kiểm tra lại ranh giới đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình. Nếu có bản đồ địa chính thì có thể sử dụng để xác định chính xác phần đất bị lấn chiếm.
Hoặc đo đạc thực địa: Nếu không rõ ranh giới của mình, có thể yêu cầu cơ quan đo đạc địa chính tại địa phương thực hiện đo đạc lại phần đất của cả hai bên để xác định rõ mức độ lấn chiếm.
2.Tự thương lượng:
Trước hết, nên tự thương lượng, hòa giải với bên có hành vi lấn chiếm để giải quyết vấn đề một cách thân thiện. Đây là bước đầu tiên được khuyến khích theo quy định tại khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024.
3. Hòa giải tại UBND cấp xã:
Nếu thương lượng không thành công, bước tiếp theo có thể thực hiện là gửi hồ sơ yêu cầu hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. Đây là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện, theo quy định của pháp luật về đất đai (Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024).
Chủ tịch UBND xã sẽ thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.
Nếu hòa giải thành công, các bên thực hiện theo kết quả hòa giải, nếu có thay đổi về diện tích đất thì trong 30 ngày phải gửi văn bản kết quả hòa giải đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký đất đai để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hòa giải không thành thì bên bị lấn chiếm làm đơn khởi kiện
4.Khởi kiện:
Căn cứ Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định:
- Khi tranh chấp xảy ra, nếu các bên có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc các giấy tờ liên quan chứng minh QSDĐ thì do Tòa Án giải quyết.
- Nếu không có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc các giấy tờ liên quan chứng minh QSDĐ thì các bên lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp dưới đây:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024;
+ Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo đó, trường hợp giải quyết tại Ủy ban nhân dân, thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp huyện. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định.